- Khiếp! Thế tiền để đâu cho hết nếu khi xuất bản Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karênina?
- Thì thế! Mỗi Rúp ngày đó tương đương 30 đô la. Ấy nghĩa là nếu quy theo thời giá bây giờ mỗi chữ của nhà văn hơn 600 nghìn đồng…
- Kỷ lục lời vàng chữ bạc thê kia thì kim cổ đông tây đã có ai xô đổ? Với lại mình nhớ không nhầm cụ Tản Đà, người sống bằng nghề chữ nghĩa, viết lách, từng than rằng: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”, thì lấy đâu cơ hội cho đám hậu thế mài chữ kiếm ăn? Lời của vị giáo sư kia khác chi thách đố?
- Mình lại nghĩ khác! Chữ nghĩa thời nay cũng có giá lắm!
- Giá ở chỗ nào? Mình thường cộng tác với nhiều báo, bài cả ngàn chữ nhuận bút chỉ dăm trăm nghìn đồng, chưa bằng một phần ngàn chữ của cụ Lép…
- Thế cậu lý giải sao, họ dùng thang bậc, bờ-rem nào khi định giá cho tác giả mỗi chữ ngót nghét 500 nghìn?
- Chém gió vừa thôi cậu ơi! Dưới gầm trời đất Việt này chưa và không có nhà văn kiệt xuất nào được định giá chữ chót vót như vậy cả!
- Nói có sách, mách có chứng nhá. Một cô giáo dạy văn bình trên phây về việc của ông Chủ tịch tỉnh: “Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”. Câu này định giá phạt 5 triệu. 11 chữ, 5 triệu, mỗi chữ xêm xêm 500 nghìn. Cú bình của anh công nhân điện “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. 17 chữ cũng có giá 5 triệu. Mỗi chữ tròm trèm 300 nghìn. Thấy chưa, ai bảo chữ nghĩa xứ mình rẻ như bèo?