Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc:

Thất thoát, lãng phí do lợi ích nhóm

Ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Lâm Đồng .
Ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Lâm Đồng .
TP - “Người dân đang mất niềm tin đối với người quản lý, sử dụng vốn nhà nước trên một số lĩnh vực. Suy cho cùng, cái chi phối, làm thất thoát, lãng phí cũng chính là câu chuyện lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc trao đổi với phóng viên Tiền Phong về thực trạng thất thoát, lãng phí vừa được ông chất vấn trên diễn đàn Quốc hội.

Chế độ báo cáo rất có vấn đề

Trong phiên chất vấn vừa qua, nhiều ĐBQH đã đưa ra những ví dụ cụ thể chứng minh tình trạng thất thoát, lãng phí: Nhà máy gang thép Thái Nguyên hơn 8 nghìn tỷ đồng có nguy cơ thành “đống sắt vụn”; ký túc xá sinh viên hàng nghìn tỷ đồng chỉ có một số ít sinh viên ở… Cá nhân ông cũng đã đặt câu hỏi về việc này và ông có thực sự thỏa mãn với phần giải đáp của các bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã trả lời thất thoát, lãng phí rất nghiêm trọng. Khi phát biểu tại QH, các ĐB chỉ đưa ra một số dự án làm ví dụ, để thấy mức độ nghiêm trọng của thất thoát, lãng phí. Vấn đề ở đây không chỉ là một hay vài dự án mà Chính phủ, các bộ, ngành phải xác định cho được thất thoát, lãng phí mang tính chất toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Câu hỏi của tôi về ước tính con số lãng phí, thất thoát trong cả nhiệm kỳ nhằm đề nghị Chính phủ trả lời cho người dân biết trong toàn bộ nền kinh tế, con số thất thoát, lãng phí như thế nào? Trên cơ sở tính toán tổng sản phẩm cả nước và dịch vụ làm ra trong một năm có thể tính được thất thoát, lãng phí là bao nhiêu trong cả nhiệm kỳ.

Tuy nhiên tôi không chỉ gửi câu hỏi về thất thoát, lãng phí tới ba Bộ trưởng mà còn gửi văn bản cho 18 bộ trưởng, trưởng ngành và cho cả Tổng Kiểm toán Nhà nước. Đến nay tôi mới nhận được 13 công văn trả lời, còn 6 đơn vị chưa trả lời. Trong đó có những bộ trả lời có thể định lượng được. 

Ông có thể đưa ra một số ví dụ định lượng thất thoát lãng phí từ những báo cáo nhận được?

Ví dụ với Bộ trưởng Bộ Công Thương, tôi hỏi thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Bộ trưởng đưa ra con số thất thoát trong khoáng sản than là 5-6% khai thác than lộ thiên, từ 24-26% khai thác than hầm lò. Từ con số đó cũng có thể biết thất thoát, lãng phí khủng khiếp như thế nào. Hay với Bộ NN&PTNT, câu trả lời là thất thoát sau thu hoạch khoảng 10%. Năm 2014 sản lượng lúa sản xuất được 45 triệu tấn mà thất thoát 10% thì có lớn không? Hay trong đánh bắt xa bờ, trong điều kiện bảo quản hiện nay cũng gây thất thoát 20 - 30% thì hỏi có lớn không?

Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đưa ra con số vi phạm tài chính (qua công tác thanh tra, kiểm toán) trong 5 năm qua là 74 - 75 nghìn tỷ đồng. Như vậy con số tổng của hai đơn vị xác định được là khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Kiểm toán thực hiện thu hồi đạt trên 65%, Thanh tra khoảng 54%. Rõ ràng có thể ước tính được con số thất thoát, lãng phí. Báo cáo của Kiểm toán rất quan trọng, nhưng Bộ trưởng Vinh còn nói báo cáo đó vẫn chưa đủ, như vậy có thể thấy được tính nghiêm trọng vấn đề. 

Điều quan trọng là vấn đề thể chế, con người. Thể chế là luật, còn con người phải lựa chọn. Nếu chọn người chăm chăm làm một nhiệm kỳ để vun vén lợi ích cho mình thì luật nào cũng thua. Suy cho cùng, cái chi phối và làm thất thoát, lãng phí cũng chính là câu chuyện lợi ích, lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, dù khó có con số chính xác nhưng cũng phải làm. Ông cũng nói tôi đặt câu hỏi rộng. Vì sao tôi lại đặt câu hỏi rộng như vậy? Vì chúng ta không thể không đề cập đến thất thoát, lãng phí trên toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước. Lĩnh vực này được Quốc hội giám sát tối cao nhiều lần. Cử tri, người dân và ĐBQH đều bức xúc trước tình trạng thất thoát, lãng phí trong nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Vậy những nguyên nhân cơ bản dẫn đến lãng phí, thất thoát, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình có nguồn vốn nhà nước là gì, thưa ông?

Trong các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, ngay cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã nói rõ rồi. Ở đây có vấn đề là người dân mất niềm tin đối với người quản lý, sử dụng vốn nhà nước trên một số lĩnh vực. Người ta đặt ra vấn đề lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, trong một dự án, tổng mức đầu tư càng lớn thì tiền tư vấn thiết kế càng lớn. Vì lợi ích của anh, của nhóm lợi ích này nên anh vẽ ra tổng mức đầu tư rất lớn. Đó là một động cơ và từ động cơ đó tạo ra lãng phí. Tôi cho rằng gốc gác của nó chính là lợi ích.

Phải chăng việc quy trách nhiệm chưa được rõ ràng cho nên, khi để xảy ra thất thoát, lãng phí lớn nhưng rất khó xử lý, bộ này đổ cho bộ kia và cuối cùng là hòa
cả làng? 

Thất thoát, lãng phí do lợi ích nhóm ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc.

Từ quy định của Hiến pháp đến các luật đều đặt ra vấn đề trách nhiệm của các bộ, trong đó có trách nhiệm báo cáo giải trình. Trong luật quy định rõ, lãng phí nghĩa là ở định mức thế này mà anh chi quá lên. Cái đó phải tính được chứ? Vấn đề là người ta có tính không và có báo cáo không. Trách nhiệm về kỷ luật báo cáo hiện nay rất kém. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có nói, câu hỏi này ĐB Đỗ Văn Đương cũng đã hỏi tương tự cách đây hai năm. Lúc đó Bộ trưởng Vinh đã gửi công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn báo cáo. Tuy nhiên sau 7 tháng cũng chỉ nhận được báo cáo của 7 địa phương, 5 tập đoàn và những báo cáo đó rất mờ nhạt. Thậm chí Quốc hội yêu cầu thì báo cáo cũng rất mờ nhạt, nhất là vấn đề lãng phí, thất thoát.

Cho nên buộc phải thiết kế được những tiêu chí trong báo cáo về thất thoát lãng phí, không chỉ vậy mà phải có đơn vị thẩm định, đánh giá lại các báo cáo. Còn nếu cứ dựa vào báo cáo của các bộ, ngành thì hầu như không có thất thoát, hoặc rất ít. Tôi lấy ví dụ công văn của Bộ VHTT&DL trả lời tôi là không có một thất thoát, lãng phí gì trong ngành trong 5 năm qua. Nghe đúng là rất vui như tính cách của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Trong khi đó có hàng chục nghìn lễ hội, bao nhiêu công trình thể thao, văn hóa, bao nhiêu tượng đài như thế mà không có thất thoát, lãng phí gì? Người dân có tin được kết quả như vậy không? 

Bộ trưởng Vinh cũng nói tôi đã quá hiểu vấn đề. Vấn đề tôi hỏi các anh có tính được con số thất thoát lãng phí không, từ con số đó sẽ nói lên được rất nhiều điều. Vấn đề là anh đã làm chưa? Qua câu trả lời của Bộ trưởng Vinh, cử tri, công luận có thể đặt vấn đề cơ bản là anh chưa làm. Rõ ràng tính toán của các anh chưa đầy đủ và chế độ báo cáo cũng cực kỳ có vấn đề.

Nên dừng đầu tư quảng trường, tượng đài

Ở đây có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các bộ với nhau trong một dự án không, khi có dự án không hiệu quả thì Bộ Xây dựng đổ trách nhiệm cho Bộ KH&ĐT và ngược lại?

Đúng là nếu thực hiện thì vẫn có sự chồng chéo, song mỗi bộ đều có những chức năng nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ dự án đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước, Bộ KH&ĐT phải chịu trách nhiệm về tham mưu, chủ trương đầu tư, nguồn vốn. Còn Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm về quy hoạch xây dựng, thiết kế, thi công, khai thác công trình… Nếu xác định rõ chức năng thì không có sự trùng lặp, có chăng sự trùng lặp ở đây là đều thuộc nguồn vốn đầu tư công. Trách nhiệm do Chính phủ không quy thôi chứ không phải không quy trách nhiệm được. Vấn đề là anh có báo cáo ra không? Biết thất thoát, lãng phí như vậy anh có xử lý hay không?

Ông có thể đánh giá mức độ nguy hiểm từ lãng phí hiện nay như thế nào?

Tôi khẳng định một trong những nguyên nhân chủ yếu làm chậm quá trình phát triển, thậm chí làm tụt hậu đất nước chính là từ thất thoát, lãng phí quá nhiều. Nguồn lực quốc gia có hạn, vấn đề là phân bổ thế nào để tạo ra sự giàu có. Trong một gia đình cũng vậy thôi. Người ta bảo con đường trở nên giàu có chính là đầu tư sản xuất với một nguyên tắc chống thất thoát, lãng phí và thực hành tiết kiệm. 

Số tiền thất thoát, lãng phí hiện nay quá dư thừa để chúng ta xây bệnh viện, trường học cho người dân, quá dư thừa để nâng lương cho cán bộ công nhân viên chức, quá dư thừa để làm rất nhiều việc. Chúng ta thử tính xem, trong 5 năm thất thoát 150 nghìn tỷ chưa thu hồi được theo báo cáo của hai đơn vị nêu trên, hay nhà máy cả chục nghìn tỷ đồng có nguy cơ thành đống sắt vụn kia… Số tiền thất thoát, lãng phí này quá thừa để chúng ta làm được nhiều việc cấp thiết đang chờ.

Theo ông, các giải pháp cấp thiết và lâu dài nào cần phải thực hiện để chống lãng phí, thất thoát? 

Mới đây Chính phủ đã tạm dừng xây dựng các công trình trụ sở công tập trung, nhưng tôi đề nghị còn phải cân nhắc cả với quảng trường, tượng đài, phải xem đã thực sự cần làm lúc này chưa? Theo tôi, không nên đầu tư làm những việc không tạo ra nguồn thu lúc này. Nói đến đầu tư công, để giảm thất thoát, trước hết phải tái cơ cấu đầu tư công. Tỷ trọng đầu tư công phải giảm đi, nghĩa là giảm thất thoát, lãng phí từ đầu tư. Nếu còn muốn nhiều dự án đầu tư công thì tỉ lệ thất thoát, lãng phí còn nhiều. Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công, phải thực hiện thật nghiêm theo luật này. Bên cạnh đó đối với DNNN phải thực hiện nghiêm Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh… Chính phủ phải thanh kiểm tra, quy cho được trách nhiệm và phải xử lý nghiêm vi phạm.

Điều quan trọng là vấn đề thể chế, con người. Thể chế là luật, còn con người phải lựa chọn. Nếu chọn người chăm chăm làm một nhiệm kỳ để vun vén lợi ích cho mình thì luật nào cũng thua. Suy cho cùng, cái chi phối và làm thất thoát, lãng phí cũng chính là câu chuyện lợi ích, lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Nếu chúng ta cứ nói tái cơ cấu kinh tế mà không tái cơ cấu lợi ích thì khó giải quyết được vấn đề.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG