Từng là người đứng đầu một doanh nghiệp lớn trong hoạt động xây dựng, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, tình trạng thông đồng, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu giá, đấu thầu xảy ra trong thời gian qua khá phổ biến, làm mất niềm tin và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Ông Nam dẫn chứng, có địa phương giao cho một trung tâm đấu giá 3 ha đất với “đề bài” là phải quy hoạch khu này thành trung tâm thương mại, giá khởi điểm là 30 triệu đồng/m2. Sau khi nghiên cứu các nhà đầu tư đều thấy không khả thi nên không mua hồ sơ để tham gia đấu giá. Đến sát ngày đấu có nhà đầu tư được “chỉ định” mua hồ sơ và đương nhiên trúng giá. Thế nhưng thay vì thực hiện theo đúng “đề bài”, nhà đầu tư trên đã xin chuyển đổi mục đích, từ một trung tâm thương mại thành xây chung cư rồi chia lô bán với giá 60 triệu/m2. Nhờ đó nhà đầu tư hưởng lợi còn ngân sách nhà nước mất đi biết bao nhiêu tiền.
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra một “chiêu” móc nối, thông đồng trong quá trình đấu giá các mặt hàng quen thuộc. “Trên địa bàn của chúng tôi khi bán đấu giá cao su thì cũng chỉ có mấy đại gia ở Bình Dương và Đồng Nai tham gia. Vì thế người ta dễ dàng biết thế nào cũng chỉ trong 1-2 đại gia mua gỗ, cao su để chế biến nên tìm cách “thỏa thuận” để “kiếm” một chút”, ông Hiến nói và chỉ ra rằng nguyên nhân do đấu giá viên và cán bộ trong trung tâm đấu giá, doanh nghiệp đấu giá tiết lộ danh sách khách hàng đăng ký tham gia đấu giá, tạo ra sự móc nối và sẽ dìm giá.
Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), những đấu giá viên ăn hối lộ, vào tù không phải không thông nghiệp vụ, trái lại họ rất giỏi. Nhờ giỏi cộng với thiếu đạo đức nên họ mới dám ăn hối lộ và dễ dàng ăn hối lộ. “Chúng ta cứ nặng về nghiệp vụ mà quên đi những yếu tố về đạo đức, trách nhiệm trong đấu giá”, ông Lịch nói.