Một đứa trẻ đeo kính đen, ngồi thổi sáo, một đứa cầm chiếc mũ lưỡi trai đến trước xe máy của người dân quỳ gối xin tiền. Cách đó không xa, một thanh niên chừng 16 tuổi dáng vẻ như người bại liệt lết trên đường giữa cái nắng chang chang gay gắt của Sài Gòn. Người dân không biết đâu là thật, giả và khi móc ví ra cho vẫn băn khoăn liệu mình có bị lừa?
Thật giả lẫn lộn
Xế chiều một ngày cuối tháng 12, vào giờ tan tầm, dòng xe đông đúc chen chúc nhau từng tí một trên con đường nằm trước khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Bình, TPHCM. Giữa sự ồn ào của tiếng xe máy, ô tô bóp còi inh ỏi, một người đàn ông chừng 60 tuổi cầm chiếc mũ tai bèo nhàu nhĩ, quỳ gối bên đường ngay ngã ba trước cổng khu công nghiệp. Đôi mắt ông nhắm tít, mặt nhăn nhó, vẻ đang bệnh, hướng về phía dòng xe đang qua lại. Cơ thể ông không cử động trong tư thế quỳ tay cầm mũ, lâu lâu có người dừng xe cho ông mấy nghìn tiền lẻ.
Theo người dân buôn bán ở khu vực này, kẻ hành khất này tên Lương có thâm niên quỳ gối ở các ngã ba, ngã tư để xin tiền người đi đường. Cứ vài ngày lại thấy ông quay lại vị trí cũ để xin tiền, mặc dù biết mặt nhau mấy năm nay nhưng ông rất ít nói chuyện với những người xung quanh. Ai hỏi thì ông cũng ậm ừ rồi thôi, đôi khi nói đôi ba câu nhưng người nghe cũng chả hiểu ông đang nói gì bởi ông chỉ lí nhí trong miệng. Mất một lúc lâu thì chúng tôi mới bắt chuyện được với ông.
Ông Lương cho biết, nhà ông ở quận Bình Tân, hiện ông sống với mẹ già, bị mù, lại không có việc gì làm nên đi xin tiền người đi đường sống qua ngày. Hằng ngày, ông thuê xe ôm chở từ nhà ra khu vực các ngã ba, ngã tư dọc đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Tây Thạnh… để xin tiền. Mỗi ngày xin được từ 100 đến 200 nghìn đồng, vừa lo ăn uống cho mẹ vừa lo thuốc thang cho cả hai người.
Ông quê ở Bình Định nhưng vào Sài Gòn sống nhiều năm rồi, hiện vẫn có người thân ngoài quê nhưng hai mẹ con ông vẫn cố bám trụ ở Sài Gòn. “Sáng tôi mua đồ ăn sáng cho mẹ rồi đi xin tiền, đến trưa mua cơm mang về rồi tiếp tục đi xin đến tối lại mua đồ ăn tối. Có ngày gặp được người hào phóng xin được 700 - 800 nghìn, còn bình thường mỗi ngày được hơn trăm nghìn cũng đủ sinh hoạt cho hai người”, ông Lương nói.
Thanh niên giả người khuyết tật lết trên đường đi ăn xin. Ảnh: Ngô Bình
Nhiều người ngang qua khu vực ngã tư Gò Mây, quận Bình Tân thường gặp hai đứa trẻ khoảng 10 tuổi. Một đứa đeo mắt kính đen tên Đức, mặc bộ quần áo dính đầy bùn đất, đầu đội chiếc nón tai bèo phủ xuống che gần nửa khuôn mặt ngồi thổi sáo bên vệ đường. Đứa còn lại tên Nam cầm chiếc mũ lưỡi trai đến bên xe máy của người dừng đèn đỏ quỳ gối xin tiền. Mỗi khi đèn đỏ bật sáng, Đức lại thổi sáo, tiếng sáo nghe não nề. Theo lời Đức và Nam thì cả hai quê tỉnh Tây Ninh, một đứa mồ côi, một đứa gia đình quá nghèo nên không được đi học. Cả hai đến TPHCM kiếm tiền nhưng không biết làm gì nên rủ nhau đi xin tiền sống qua ngày.
Hằng ngày Đức và Nam đến các ngã tư Gò Mây, Bà Điểm, khu vực trước khu công nghiệp Vĩnh Lộc xin tiền, tối tìm nơi gầm, lề đường cầu nằm ngủ. Đức cho biết, trước đây ở cùng bố mẹ tại Tây Ninh nhưng không phải quê gốc nên không có người thân, cả gia đình thuê phòng trọ ở rồi bố mẹ người bị bệnh, người bị tai nạn chết.
Còn một mình không có ai thân thích nên bỏ đi, “Năm nay em 10 tuổi, bố mẹ đều mất sớm, không còn người thân nên em lang thang từ Tây Ninh xuống bến xe An Sương rồi gặp Nam cũng đang lang thang xin tiền nên hai đứa rủ nhau đi cho có bạn”. Mỗi ngày hai đưa đi xin được vài trăm nghìn. Có ngày được năm sáu trăm nghìn. Tiền xin được bao nhiêu hai đứa chia đôi. Đức có một mình nên đôi khi chia cho Nam phần nhiều hơn để dành dụm phụ giúp gia đình.
Nam cho biết, gia đình không có nhà cửa ruộng vườn gì mà dựng lều bên bờ sông ở, hiện em còn một người em gái nữa mới hơn 5 tuổi. Hằng ngày bố mẹ đi lượm ve chai bán kiếm tiền còn em ban đầu cũng đi lượm ve chai nhưng mỗi ngày kiếm không đủ hai bữa cơm. “Ban đầu bọn em cũng cầm nón đi xin tiền nhưng ít người cho. Đức nói biết thổi sáo nên bọn em sắm cây sáo, một cái kính đen cho Đức đeo làm như người mù.
Mỗi lần đi xin tiền là Đức ngồi bên lề đường thổi sáo còn em cầm nón đi xin, người ta nhìn thấy tội nghiệp nên nhiều người cho tiền hơn. Hằng ngày xin tiền xong hai đứa kiếm cái gì ăn rồi đi lang thang dọc đường, gặp chỗ nào ngủ chỗ đó. Nhiều hôm gặp người nghiện hai đứa lại bỏ chạy thục mạng. Có hôm đang nằm ngủ bị bọn lưu manh bắt nạt. Có bao nhiêu tiền hai đứa dành dụm được đều bị họ lấy hết”.
Theo Nam thì em có bố mẹ và một người em nhưng cũng sống lang thang nay đây mai đó, lâu lâu mới về lại cái lều bên bờ sông ở quận Bình Thạnh nên đã lâu em chưa gặp lại họ. “Bố mẹ em cũng không nghề nghiệp gì, bố thì tâm thần, mẹ cũng không được bình thường nên suốt ngày đi lượm ve chai, có khi cũng đi xin tiền như em sống qua ngày. Nhiều hôm đứng gần cổng trường học thấy các bạn đi học, em tủi thân lắm”.
Một thực tế cho thấy “phong trào” ăn xin có cơ sống khỏe, nên người già đi xin, trẻ con đi xin, đến những thanh niên trai tráng cũng giả vờ làm người khuyết tật đi ăn xin. Họ trục lợi vào lòng thương người khác.
Giữa trưa nắng chang chang của Sài Gòn, mặt đường nhựa nóng hừng hực, một thanh niên chừng 16 tuổi mặc chiếc quần dài lút chân, hai tay luồn hai chiếc dép nằm sấp xuống đường bò lê lết trên cầu Rạch Chiếc, quận Thủ Đức, vẻ mặt nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn xin tiền người qua lại.
Khi mới nhìn qua ai cũng nghĩ thanh niên này bị bại liệt bởi khi di chuyển hai chân người này duỗi thẳng không cử động mà chỉ dùng tay chống xuống đường rồi nhích từng tí một trên đường. Lâu lâu lại quay đầu nhìn về phía sau, khi thấy có người chụp ảnh anh ta liền ngồi thẳng dậy chửi tục. Gần nửa tiếng sau, cũng người thanh niên này lại xuất hiện ở khu vực vòng xoay ngã ba Vũng Tàu, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách cầu Rạch Chiếc hơn 15km và tiếp tục lết trên đường.
Cái Bang mác ngoại?
Hằng ngày, trên Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A quận 12, huyện Hóc Môn có hàng chục trẻ em từ lớn đến nhỏ, có những đứa đang nằm ngửa được anh hoặc chị bế trên tay đứng tại các ngã ba, ngã tư để xin tiền. Tất cả đều nói tiếng Campuchia nên khi hỏi chuyện chúng không hiểu. Mỗi đứa cầm một cái mũ, ca nhựa cứ thấy đèn đỏ bật là nhóm trẻ lại ùa ra đường xin tiền.
Người phụ nữ tự xưng là người Campuchia bế con ngồi xin tiền trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Ngô Bình
Phía sau nhóm trẻ là những người lớn ngồi dưới gốc cây, trong quán nước quan sát. Khi nhóm trẻ xin được tiền đều đem về đưa cho những người này. Chiều 23/12, một phụ nữ bế con nhỏ khoảng hơn 1 tuổi trần truồng da ngăm đen cùng hai đứa nhỏ khác đứng xin tiền tại ngã tư trước cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân. Mỗi khi đèn giao thông bật đỏ là người này lại bế đứa con nhỏ ra làn xe ô tô xin tiền các tài xế xe tải, còn hai đứa lớn hơn thì cầm mũ, ca đi xin tiền người đi xe máy.
Người này xưng là mẹ của ba đứa nhỏ và mới từ Campuchia qua được gần một tuần. “Tôi người Campuchia, qua đây được một tuần rồi, mấy đứa này là con hết đó. Ở bên đó đói quá nên qua đây xin ăn. Thuê phòng ở gần đây này, tháng 800 nghìn đồng. Mỗi ngày đi xin từ sáng sớm đến khuya mới về phòng ngủ”, người phụ nữ nói tiếng Việt lơ lớ.
Mặc cho trời nắng hay mưa, những đứa trẻ mới một hai tuổi, người trần như nhộng phải phơi mình ngoài trời để xin tiền. Mỗi lúc nghỉ ngơi, cả nhóm ba bốn đứa ngồi chồm hỗm ăn chung hộp cơm trên vỉa hè. Có những khi người mẹ thả đứa nhỏ hơn 1 tuổi cho bò chơi ngay trên vỉa hè giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn những ngày cuối năm. Có những hôm, một hai giờ sáng, trời se lạnh, chạy trên Quốc lộ 1A, chúng tôi vẫn thấy những đứa trẻ ngủ gục ngay bên đường, người phụ nữ vẫn bế đứa bé trần truồng đứng tại ngã tư chờ xin tiền người qua lại.
Để người đi đường thương xót cho tiền, ông Lương quỳ gối, đầu đội một chiếc mũ, tay cầm chiếc mũ khác hướng ra đường, đôi mắt nhắm tít, miệng méo xệch nhăn nhó như đang bệnh nặng. Quỳ gối lâu đau chân nên ông lấy đôi dép xếp lại, đặt miếng xốp lớn lên đôi dép làm nệm quỳ. Ông Lương nói: “Trước đây tôi đi bán vé số nhưng già yếu đi không nổi nên mới đi xin tiền như thế này”.