Thảo luận gói kích thích kinh tế, nhiều địa phương muốn làm cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù không thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025, song nhiều đại biểu các địa phương đều mong muốn được ưu tiên xây cao tốc và các tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố.

Theo đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) đây là “thời điểm vàng” cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải.

“Với định hướng đó, cần xác định tăng cho đầu tư công, tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ cho xã hội, cuối cùng sẽ đáp ứng yêu cầu kích cầu”, đại biểu Văn nêu.

Khi thảo luận về gói kích thích kinh tế, nhiều đại biểu các địa phương đều đồng loạt đề nghị được ưu tiên xây cao tốc và các tuyến giao thông kết nối tỉnh, thành phố. Đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) đề nghị đưa dự án kết nối giao thông đoạn từ thành phố Cao Bằng đến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào danh mục các dự án.

Thảo luận gói kích thích kinh tế, nhiều địa phương muốn làm cao tốc ảnh 1

Đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng)

Theo ông Đức, đến nay Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án đầu tư công, giãn tiến độ nhiều dự án để bố trí trên 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư tập trung cho tuyến cao tốc nhằm hoàn thành giai đoạn một trước năm 2025. Tuyến đường này sẽ giúp mở rộng không gian phát triển của tỉnh với các địa phương khác trong khu vực.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất ưu tiên xây dựng tuyến cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu bằng vốn đầu tư công, thay vì đầu tư theo đối tác công tư (PPP). Tuyến cao tốc này được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP năm 2021, tổng vốn gần 20.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu, dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy liên kết vùng, nối các trung tâm kinh tế lớn, và giúp kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến việc thu hút các nhà đầu tư gặp khó khăn. "Nếu được đầu tư công thì giai đoạn 2021-2023 có thể hoàn thành toàn tuyến", ông Hùng cho hay.

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cũng đề nghị trong chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của chương trình cần xác định sớm hoàn thành tuyến cao tốc kết nối miền núi phía Bắc Tây Nguyên và miền Trung.

Cùng mối quan tâm, các đại biểu đoàn Thái Bình, Nam Định, Điện Biên cũng mong muốn gói cơ sở hạ tầng cần ưu tiên những tuyến cao tốc mang tính quan trọng, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế. Đại biểu Lò Thị Luyến (tỉnh Điện Biên) đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn ngân sách xây cao tốc cho các tỉnh vùng núi phía Bắc như Bắc Kạn - Cao Bằng, Sơn La - Điện Biên. Còn đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Hà Giang với Tuyên Quang rất cần thiết.

“Hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang triển khai. Vì vậy, việc đầu tư đoạn còn lại nối từ Tuyên Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) không chỉ cho hai tỉnh này, mà còn cho cả vùng trung du miền núi phía Bắc”, đại biểu nhìn nhận.

Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ đề xuất có quy mô 340.000 tỷ đồng. Trong đó dự kiến 113.830 tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đề xuất trên của các đại biểu không nằm trong 12 dự án cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 2021- 2025.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.