Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân!

Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân!
TPO - Hôm nay 11/12, trả lời Tiền phong Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết như vậy xung quanh phản ứng về dự án cải tạo xây dựng lại chợ 19-12 trong những ngày qua.

>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nên thay cao ốc bằng một con đường
>> Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên chuyển thành một vườn hoa

Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân! ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trả lời phỏng vấn báo chí tại kỳ họp lần thứ 15 HĐND TP Hà Nội. Ảnh: PV 

Chủ tịch thành phố nói: “Trước những ý kiến của dư luận xã hội, của nhân dân, đặc biệt của những nhà tâm huyết đối với Thủ đô, đương nhiên, thành phố cũng phải lắng nghe, xem xét. Bây giờ, thành phố sẽ yêu cầu các ngành báo cáo lại cụ thể”.

Chủ tịch Thành phố cũng cho biết là, dự án liên quan đến chợ 19-12 đã làm xong quy trình, thủ tục và đã có những quyết định. “Nhưng để làm được một việc gì đó có ích cho xã hội, cho thành phố thì mình cũng vẫn phải làm, và làm tất cả cũng là vì dân và cho dân” - Ông Thảo khẳng định.

Trước đó, sáng nay (11/12), UBND TP Hà Nội đã có văn bản không số  trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND Thành phố, gửi tới các đại biểu, trả lời về dự án đầu tư xây dựng tổ hợp công trình Trung tâm Thương mại - Dịch vụ 19-12 (thuộc quận Hoàn Kiếm).

Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân! ảnh 2
Chợ 19-12 tại Hà Nội. Ảnh: flickr.com

Theo văn bản trả lời của thành phố, chợ tạm 19-12 sẽ đựơc xây dựng  lại và vẫn giữa chợ truyền thống, ngoài ra sẽ phải “cõng” thêm một trung tâm thương mại, nằm phía trên, gồm cả văn phòng cho thuê.

Sau khi gần 300 hộ kinh doanh tại chợ 19-12 được di dời về chợ tạm Phùng Hưng, ngày 5/11/2008, UBND quận Hoàn Kiếm đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ngày mai, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ họp báo về những vấn đề liên quan tới dự án.

Nhiều ý kiến không tán đồng

Về chủ trương xây Trung tâm Thương mại - Dịch vụ trên nền chợ 19/12 đã có nhiều ý kiến chưa đồng thuận của một số nhà nghiên cứu lịch sử và người dân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có thư ngỏ gửi “Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội” đề nghị nên thay cao ốc bằng một con đường. Theo ông Quốc, việc khôi phục con đường này và ghi dấu tại đó những lưu niệm của một thời hy sinh gian khổ của Hà Nội trong chiến tranh sẽ làm Hà Nội giàu hàm lượng văn hóa hơn rất nhiều so với việc thay vào đó là một toà nhà 17 tầng chỉ để kinh doanh.

Trong đơn gửi tới báo Tiền phong và nhiều cơ quan ngôn luận khác, các hộ dân sống xung quanh khu vực chợ 19/12 ở phố Lý Thường Kiệt cho rằng việc xây dựng này là hoàn toàn không phù hợp.

Ngoài việc không phù hợp với cảnh quan, mật độ xây dựng cao ốc tại khu vực này quá dày đặc, gây tắc đường... điều quan trọng khác là do đây là nơi chôn cất của hàng nghìn người dân và tự vệ thủ đô đã anh dũng hy sinh trong Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Năm 1981, TP Hà Nội đã chuyển toàn bộ các hài cốt lên nghĩa trang Bất Bạt (Sơn Tây) và đường phố này mang tên phố 19/12 được gắn biển ở hai đầu phố Lý Thường Kiệt và phố Hai Bà Trưng.

"Chúng tôi khẩn thiết xin treo lại biển phố 19/12 và xây dựng Đài kỷ niệm tầm cỡ quốc gia để ghi công ơn các liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến" - Lá đơn viết.

>> Thông tin chi tiết sẽ được đăng tải trên báo Tiền phong số ra ngày mai và trên các bản tin tiếp theo của TPO.

Văn bản giải trình của UBND TP Hà Nội gửi  HĐND

Ngày 11/12, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Hội đồng Nhân dân TP trả lời chất vấn về dự án đầu tư xây dựng tổ hợp công trình Trung tâm Thương mại – Dịch vụ 19/12 tại quận Hoàn Kiếm.

Theo giải trình của UBND TP Hà Nội, chợ 19/12 (còn gọi là chợ Âm Phủ) là một trong những chợ được đưa vào danh mục cải tạo, kết hợp xây dựng lại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô.

Theo đó, chợ được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Năm 1982 chợ được xây dựng tạm cấp 4, đến nay đã qua hơn 20 năm sử dụng nên chợ đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện kinh doanh, phòng chống cháy nổ, gây ách tắc giao thông.

“Việc cải tạo xây dựng lại chợ 19/12 là cần thiết, là đòi hỏi khách quan, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân Thủ đô” - Văn bản của UBND TP nêu rõ.

Về chủ trương xây dựng chợ, UBND TP cũng viện dẫn việc Chính phủ có Nghị định 02/2003/NĐ-CP về việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng nhà nước đầu tư xây dựng lại các chợ.

Về kế hoạch cải tạo cụ thể khu chợ này, UBND TP cho biết ngày 19/3/2007, UB đã có Thông báo số 67 thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP đồng ý chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc cho phép triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại – Dịch vụ 19/12.

Theo đó, đây sẽ là trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, chợ truyền thống, không làm khách sạn và căn hộ và có một khối nhà nổi 7 tầng và 1 khối nhà nổi 17 tầng. Trong đó tầng để trống làm lối đi bộ nối thông đường Hai Bà Trưng với đường Lý Thường Kiệt, có mở rộng đến 7 m để chữa cháy, cứu thương khi cần.

“Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về đời sống tâm linh, cần nghiên cứu, bố trí một công trình tưởng niệm đối với những người đã mất trong ngày 19/12/1946 đã được an táng tại khu vực này. Công trình tưởng niệm cần được nghiên cứu để có hình thức kiến trúc hài hòa với các công trình lân cận và khu vực xung quanh” - Văn bản giải trình của UNBD TP Hà Nội cho biết.

Về phương án xử lý đối với các tiểu thương tại chợ 19/12, UBND thành phố cho biết khi xây dựng xong tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, chợ truyền thống phải đảm bảo tái bố trí cho 100% hộ kinh doanh hiện có tại chợ 19/12 và một số hộ kinh doanh tại chợ Hàng Bè di chuyển về đây kinh doanh sau khi quận Hoàn Kiếm giải tỏa khu chợ này.

UBND thành phố cũng cho biết đến nay việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. 100% các hộ kinh doanh tại chợ 19/12 đã di chuyển sang chợ tạm Phùng Hưng để kinh doanh trong thời gian chờ  thực hiện dự án. Sau khi hoàn tất dự án, ở đây sẽ bố trí 100% hộ kinh doanh tại chợ 19/12 (287 hộ) và 130 hộ kinh doanh từ chợ Hàng Bè. Đến ngày 5/11, UBND quận Hoàn Kiếm đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và chủ đầu tư đang thu dọn mặt bằng để thực hiện.

MỚI - NÓNG