Hoang phế và tín hiệu hòa giải
…Những năm xa, cứ ngỡ xa lộ Biên Hòa, con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với Biên Hòa do Hoa Kỳ xây dựng năm 1959 (khánh thành năm 1961) đổ bê-tông, dài 31km, rộng 21m là một đường băng sân bay? Thời điểm ấy ít người biết, mé bên phải xa lộ (từ Sài Gòn lên) có một nghĩa địa bề thế. Đó là Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa!
Lập ra từ năm 1965, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (NTQĐBH) có quy hoạch chứa 30.000 mộ phần. May mắn là đến chung cuộc năm 1975, mới chỉ khoảng 16.000 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) an nghỉ nơi đây.
Riêng thời điểm Mậu Thân và mùa hè đỏ lửa 1972, hơn 10.000 quân nhân tử trận đã được đưa về đây! NTQĐBH vốn là nơi an nghỉ không riêng gì tướng lãnh, sĩ quan và binh sĩ mà còn là chỗ chôn cất các thành viên chính phủ thuộc các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp VNCH.
Đến và nằm ở đây có 2 viên tướng. Một trong số họ là Đại tướng Đỗ Cao Trí. Phần mộ ông đã được di dời về quê. Tháng 3/1975, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm lên thăm NTQĐBH và làm lễ đặt vòng hoa. Lúc ấy chẳng ai nghĩ đây là lần viếng sau cùng của một viên chức cao cấp.
Thời ấy chạy xe ngang hông NTQĐBH, đậm trong trí nhớ là bức tượng rất lớn người lính VNCH cầm súng trong tư thế ngồi canh gác bị kéo đổ nằm chỏng chơ một thời gian dài. Tượng có tên là Thương tiếc.
NTQĐBH do điêu khắc gia Lê Văn Mậu sáng tác và tổ chức thi công đã bước vào giai đoạn 2, kéo dài 6 năm, với ngân khoản 100 triệu đồng, tiền VNCH năm 1973.
Chạnh nghĩ những năm xa, phần âm hoang phế này đâu có cái tên Nghĩa trang nhân dân Bình An như bây giờ?
Mộ sụp. Bia vỡ. Cỏ dại lau lách mọc lan dày. Một tháp canh trơ trọi.
Nhưng không phải hoàn toàn vắng quạnh?
Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tháng 6/2007 đã phát biểu về Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa… sẽ không có di dời đi nữa và sẽ đồng ý cho tất cả những người có thân nhân chôn cất ở trong đó được phép tái tạo, sửa đổi, trùng tu lại để làm cho tốt đẹp hơn.
Thời điểm những năm đầu 80, có lúc NTQĐBH đột nhiên tấp nập. Tấp nập là cách nói nhưng mà lén, vụng trộm. Cấm xâm nhập cấm chụp hình. Bảng biển đã ghi rõ. Lại có bộ đội gác. Nhưng hình như nhiều phiên gác, cánh vệ binh như có vẻ ngó lơ cho không ít thân nhân của những người đương nằm dưới mộ kia- lặng lẽ đến nghĩa trang. Họ làm gì vậy? Đốt nhang. Mang hoa trái đến cúng kiếng, hay đơn giản chỉ là đến khấn khứa - cõi âm phần phù hộ cho người thân đi vượt biên trót lọt!
Rồi đầu những năm 90, đi lẻ có, theo tốp cũng có. Họ là các cựu sĩ quan VNCH tìm đến nghĩa trang. Họ cũng năn nỉ để quân cảnh ngó lơ, lẻn vô nghĩa trang. Họ đến từ biệt người thân dưới mộ để ra nước ngoài đoàn tụ với người nhà theo diện HO.
Rồi cũng không ít những đoàn nhóm nhỏ người Việt từ hải ngoại về cố quốc tự động đến nghĩa trang…
Nhưng rồi sự sống và đời sống tâm linh vẫn vận hành theo cái cách của nó. Những năm giữa 90 gần 2000, một số đông Việt kiều vẫn về thăm viếng NTQĐBH. Và chỉn chu lẫn hoành tráng hơn, họ xin tu sửa mồ mả hoặc bốc cốt...
…NTQĐBH ngày một xuống cấp.
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, mô tả:
“Một số mộ có bia trắng trong khi mộ khác chỉ là một gò đất với cục gạch làm dấu. Nhiều ngôi mộ có vẻ như chưa từng được đụng tới kể từ năm 1975. Những tượng đài đổ vỡ, đường đi chỉ là đất với sỏi... Bên ngoài nghĩa trang cũng không khá hơn, cửa tiệm và nhà dân lấn đất nghĩa trang, cột đá và cầu thang trước đây là lối đi vào nghĩa trang thì nay bị cây cối, dây leo quấn hoàn toàn”.
Có một dạo ầm cả lên dư luận cho rằng, rồi cuối cùng trong việc quản trị đất nước, nhà nước Việt Nam rồi sẽ cho di dời những phần mộ trong NTQĐBH bởi nghĩa trang ấy ít nhiều dính dáng liên hệ đến quá khứ và nhất là tâm linh với chế độ VNCH!
Người ta vẫn lén tới, vẫn năn nỉ xin được viếng, cất bốc… Trong một cuộc gặp thân mật, ông Nguyễn Cao Kỳ, năm 2005 đã bộc bạch với Thủ tướng Phan Văn Khải rằng nên hòa giải với người chết trước nghĩa là không xóa bỏ NTQĐBH, không di dời khu mộ mà tạo điều kiện cho thân nhân người nằm dưới mộ tới cúng kiếng chăm sóc phần mộ.
Mạch ngầm của đời sống tâm linh vẫn âm thầm vẫn nối mạch bằng những nghĩa cử tử tế này khác…
Dân sự hóa
Ngày 27/6/2006 Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, thì đến ngày 27/11/2006, đã ký Quyết định 1568/QĐ-TTg về việc bàn giao đất khu vực Nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Cây hương chính ở Nghĩa trang Bình An
Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất Khu nghĩa địa Bình An huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương do Quân khu 7 Bộ Quốc Phòng đang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển KTXH tỉnh Bình Dương.
Đầu năm 2007, sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ít ngày đã có một sự lạ diễn ra ở NTQĐBH khi ấy được đổi thành Nghĩa trang Bình An là dân quanh Nghĩa trang tự động tổ chức phân lô khu nghĩa trang A, B, C, D, F… theo cách của họ, rồi chia nhau làm công tác tự nguyện trông coi, rẩy mả. Rồi họ lập danh sách những người được chôn cất ở đây để phòng khi thân nhân tới viếng thăm thì dễ bề tìm kiếm. Họ sẵn sàng hướng dẫn cho thân nhân dễ dàng tìm thăm mộ. Nếu thân nhân thông cảm và biếu cho họ chút đỉnh tiền thì họ nhận, còn không có cũng không sao, họ vẫn niềm nở hướng dẫn.
…Lần ấy trong nhóm báo chí tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc ở Hoa Kỳ. Chặng bay xuyên đại dương dài dặc, nhóm báo chí chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng, hỏi về việc dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Tôi nhớ có một đồng nghiệp hỏi Thủ tướng, thời điểm ông ký quyết định chuyển NTQĐBH thành Nghĩa trang dân sự Bình An, Thủ tướng có tâm trạng gì? Có bị hối thúc chi phối bởi sức ép gì không? Tôi nhớ Thủ tướng cười, cởi mở rằng, không có một áp lực nào cả mà sự day dứt nhiều năm đã hối thúc mình. Day dứt bởi chúng ta có hàng trăm ngàn liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giữ nước mà hiện vẫn chưa tìm thấy hài cốt hoặc có tìm thấy nhưng không biết danh tính. Rồi Việt Nam nhiệt thành góp sức trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong chương trình PAO/MIA tại sao chúng ta lại không nghĩ đến những người lính VNCH từng một thời lầm lạc theo quân đội viễn chinh bắn vào đồng bào đồng chí mình bị chết trong cuộc chiến, hài cốt còn vất vưởng nghĩa địa này nghĩa trang khác mà dồn tụ là NTQĐBH?
Rồi các tâm trạng, các cung bậc tình cảm của thân nhân tử sĩ từng hướng về hoặc từng đã luẩn quẩn trước hàng rào quân sự bao quanh hồn cốt người lính đang nằm trong nghĩa trang? Họ từng chịu nỗi đau mất mát người thân giờ lại dai dẳng chịu tiếp những mất mát day dứt về tinh thần?
Ông bà mình dạy lấy ân cởi oán chứ không lấy oán cởi oán càng chất chồng thêm oán. Những gì làm được trong tầm tay của mình để góp phần xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc hướng về tương lai phía trước tại sao lại phải chần chừ?
Rồi cũng có ý kiến của một số cựu chiến binh không đồng tình với việc Nhà nước lại tôn tạo, chăm sóc một nghĩa trang cho quân đội VNCH một cách trang trọng như các nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi trong nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, dịp đến Nghĩa trang Bình An thắp hương đã bộc bạch trong một phỏng vấn vừa thẳng thắn vừa như nhắn nhủ rằng? Tại sao tôi - quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam, lại đến viếng nghĩa trang của những người bên kia chiến tuyến trước đây của Quân đội Nhân dân Việt Nam - những người đã cầm súng chống lại lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, dựa vào sức mạnh của đế quốc Mỹ hòng xâm chiếm cả miền Bắc Việt Nam?
Nhưng tôi tâm niệm rằng, những anh em của binh lính Việt Nam Cộng hòa - những người nằm ở nghĩa trang Biên Hòa cũ và nay là nghĩa trang Bình An, không phải họ không mong muốn hòa bình. Rất nhiều người cũng mong muốn hòa bình, không muốn chiến tranh.
Cho nên bây giờ, thời gian đã qua đi, chúng ta đã là người chủ của đất nước. Nhà nước Việt Nam hiện nay đang hội nhập với thế giới rất vững vàng, vị thế và uy tín thì chúng ta không thể không nghĩ đến những người đã khuất của cả hai phía.
Mạch nguồn tâm linh
Sau Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những gì đến đã đến.
Nghĩa trang QĐ Biên Hòa năm 1970
Tỉnh Bình Dương đã khởi đầu một lộ trình nghĩa tử nghĩa tận. Địa phương này đã lên quy hoạch và giao 32 trong số 58 hecta đất nghĩa trang cho huyện Dĩ An làm nghĩa trang nhân dân và ông Phó Chủ tịch Bình Dương đã khẳng khái “Tỉnh Bình Dương ủng hộ việc bà con tiến hành chỉnh trang, sửa sang lại những phần mộ ở đây để có một nghĩa trang nhân dân đẹp đẽ”.
Dư luận còn khắc ghi điểm nhấn về hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù trong cuộc trả lời phỏng vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Đài BBC ngày 17/4/2007. Ông đã nói rằng người Cộng sản không độc quyền yêu nước.
Trả lời về việc nghĩa trang Biên Hòa được dân sự hóa, cố Thủ tướng chia sẻ: “Có những cái vô lý, người sống đố kỵ nhau nên nó khổ liên quan đến người chết, trước đây coi như không thừa nhận nghĩa trang đó nên quân sự hóa mấy chục năm. Bây giờ thấy nó vô lý. Có một quyết định tuy trễ nhưng dù sao cũng rất tốt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm tốt cái đó, làm hơn tôi cái đó, lúc tôi làm thì chưa làm được cái này, quyết định giao lại cho dân sự. Tôi cho quyết định đó là đúng”.
Rồi sự hiện diện và các cuộc thăm viếng của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb (năm 2007). Rồi Tổng Lãnh sự Mỹ tại Saigon, ông Lê Thành Ân tại Nghĩa trang Bình An. Ông Ân là một người gốc Việt, sang Hoa Kỳ từ năm 1965 lúc mới 10 tuổi, và có lẽ ông là người gốc Việt Nam đầu tiên hiện đang nắm chức vụ cao trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Cùng đi trong phái đoàn của Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân có ông Nguyễn Đạc Thành, Chủ tịch Sáng Hội Việt Mỹ thành lập năm 2003 tại Hoa Kỳ danh xưng chính thức là Vietnamese American Foundation- VAF) ông Thành là cựu thiếu tá Quân lực VNCH. Và cũng chính ông Nguyễn Đạc Thành cùng với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tới thắp hương ở nghĩa trang Bình An.
Những việc cùng sự kiện ấy nói lên điều gì, thông điệp gì ngoài âm hưởng chủ đạo là hòa hợp, là xóa bỏ hận thù?
Một Việt kiều ở Chicago đã bộc bạch trên mạng “Không những ra vào nghĩa trang dễ hơn trước đây mà trong việc tu bổ, dựng lại bia mộ họ còn cho phép để cả hình nhà tôi mặc quân phục, cấp bậc cũ...”.
Rất nhiều những tu bổ sửa sang lớn nhỏ, phần của nhà nước của địa phương trong đó có sự góp sức của bà con Việt kiều. Đặc biệt là ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM và ông Nguyễn Đạc Thành, người khởi xướng tổ chức Sáng Hội Việt Mỹ.
Phần đầu bài, tôi có nhắc đến bức tượng Thương tiếc từng bị kéo đổ cuối năm 1975. Tác giả bức tượng ấy là Nguyễn Thanh Thu. Tượng được dựng ở mặt tiền Nghĩa trang QĐBH năm 1966. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, quê Gia Định, sinh 1934, nguyên là lính kiểng Sài Gòn. Năm 1987 vượt biên.
Năm 1992 về thăm quê nhà. Năm 2004, về việt Nam lần thứ 2 với mục đích đưa vợ con sang Mỹ nhưng cả gia đình không chịu đi. Ông ở lại và vẫn tiếp tục đam mê sáng tác tranh tượng. Tại quê nhà ông đang miệt mài thực hiện công trình điêu khắc hoành tráng có cái tên Cửu Long được mùa.
Tôi đã có dịp ghé cái cơ ngơi khá bề thế, bề bộn sân vườn tượng đài của ông ở Gò Vấp. Tư gia ông Thu cũng là địa điểm thường xuyên hội tụ gặp gỡ của giới trí thức văn nghệ sĩ thành phố.
Nghĩa trang Bình An đã vời vợi sau lưng…
Chợt cộm trong trí nhớ về một Nghĩa trang ở thủ đô nước Mỹ mà mình từng ghé. Đó là Nghĩa trang Arlington ở Washington D.C nơi an nghỉ hàng vạn binh sĩ của cả hai miền, của cả hai phía trong cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1861-1863.
Năm 1863, Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn đã trực tiếp đến khánh thành nghĩa trang Quốc gia Hoa Kỳ và ban dòng chữ sau
Tất cả những tử sĩ ở đây đều là đồng bào.
Tiết Thanh minh năm Ngọ
Theo tài liệu của UBND huyện Dĩ An (Bình Dương) trước 2006, khu nghĩa địa dân sự xã Bình An (tức NTQĐBH trước đây) có đến 17 ngàn ngôi mộ, một số còn giữ nguyên trạng ngôi mộ xây bằng xi-măng; đa phần còn lại, rất nhiều ngôi mộ bị mất nắp xi măng có đến 12 ngàn ngôi mộ đã bị lấy mất nắp mộ. Có khoảng 13 ngàn tử sĩ VNCH tạm thời còn giữ nguyên trạng mộ địa.