Thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

Ra mắt Ban chấp hành Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam
Ra mắt Ban chấp hành Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam
TPO - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã chính thức ra mắt với Chủ tịch là trung tướng Nguyễn Đức Soát. Ban chấp hành Hội gồm 35 người và Ban kiểm soát.

Sau hơn 1 năm tích cực chuẩn bị, Ban vận động thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất trong hai ngày 11 và 12/11. Tại Đại hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã công bố quyết định thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh việc thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng trong việc rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh, nhưng do số lượng bom mìn quá nhiều và nguồn lực hạn chế nên diện tích ô nhiễm còn rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công cuộc xóa đói, giảm nghèo…

Phó Thủ tướng hy vọng trong thời gian tới, hội sẽ tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ, chung tay với Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Chương trình 504, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu cảm ơn các tướng lĩnh, cựu chiến binh, những người đã cầm súng chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, dù tuổi cao, sức yếu, vẫn tiếp tục góp sức khắc phục hậu quả chiến tranh.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, các quốc gia đã từng gây chiến với Việt Nam, những nhà sản xuất ra bom đạn nước ngoài đã gián tiếp gây đau thương cho nhân dân Việt Nam phải có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Ông cho biết, tôn chỉ, mục đích của Hội gồm 4 nội dung chính: Tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước ta về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam; Tuyên truyền trong nhân dân về các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế tối đa hậu quả của bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng; Tuyên truyền và thuyết phục các quốc gia, các tổ chức quốc tế về nghĩa vụ và trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn; Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và  ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam để tiếp tục rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn.

Ngay sau khi kết thúc Đại hội, các đại biểu, thành viên Hội đã quyên góp ủng hộ nạn nhân bom mìn. Số tiền thu được sẽ được chuyển cho 2 trẻ em bị thương trong tai nạn bom mìn mới đây. 

Theo số liệu thống kê, riêng số lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,35 triệu tấn, trong đó số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại ước tính 800 nghìn tấn. Kết quả điều tra sơ bộ năm 2002 cho thấy có 9.284/ 10.511 xã bị ô nhiễm, tổng diện tích 6,6 triệu ha trên đất liền, chiếm 21,12% diện tích cả nước, chưa kể số bom mìn còn tồn sót trên các vùng biển. Tất cả các tỉnh, thành phố Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh, nhưng nặng nề nhất là khu vực Miền Trung và một số tỉnh biên giới phía Bắc.

MỚI - NÓNG
Giá vàng, cổ phiếu thế giới chao đảo
Giá vàng, cổ phiếu thế giới chao đảo
TPO - Giá vàng và cổ phiếu chao đảo giữa lúc đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chịu áp lực lớn. Hiện, giới đầu tư tập trung vào cuộc họp của Fed ngày 18/9, chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2020.