Thăng trầm lư đồng An Hội

Chị Liên đã gắn bó với nghề hơn 10 năm.
Chị Liên đã gắn bó với nghề hơn 10 năm.
TP - Làng An Hội (Gò Vấp, TPHCM) từng nổi tiếng về sản xuất lư đồng cung cấp cho thị trường cả nước, xuất khẩu sang nhiều quốc gia láng giềng. Những âm thanh đục đẽo, chạm trổ dần lắng xuống theo thời gian.

Tìm về làng lư đồng An Hội, tôi được một người dân chỉ đường nói rằng: “Bây giờ không còn làng An Hội nữa đâu, người ta đổi tên từ lâu rồi”. Hỏi ra mới biết, làng lư đồng trăm tuổi ngày nào nay đã là phố thị. Theo lời kể của những nghệ nhân cao tuổi, nghề đúc lư đồng xuất hiện nơi đây vào khoảng cuối thế kỉ 19. Người có công khai sáng là cụ Trần Văn Kỉnh (thường gọi là cụ Năm Kỉnh). Cụ theo học nghề đúc lư đồng ở Chợ Quán (quận 5) rồi sau đó về dạy lại cho con cháu cùng nhiều học trò.

Nghề lắm công phu

Ông Trần Văn Thắng (chủ cơ sở sản xuất lư đồng Hai Thắng) hiện là học trò hiếm hoi của cụ Kỉnh vẫn còn bám nghề và truyền lại cho con cháu. Ông Thắng cho biết: “Nghề đúc lư đồng phát triển rực rỡ nhất vào cuối những năm 60 của thế kỉ 19. Thời điểm ấy, nhà nhà làm lư đồng, người người làm lư đồng. Không chỉ làm mình lư không, An Hội khi đó còn là nơi chuyên sản xuất các đồ thờ cúng bằng đồng như các loại đỉnh, cốc chén, bình hoa, chân nến… Không khí náo nhiệt và ồn ào bao trùm cả làng. Còn bây giờ, số hộ bám nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Trần Quốc Kiển, chủ cơ sở sản xuất lư đồng Quốc Kiển, cho biết, để làm ra lư đồng, phải trải qua ba 3 công đoạn lớn và 20 công đoạn nhỏ. Trước tiên là làm khuôn ruột. Loại đất được sử dụng phải là đất sét tốt, không pha lẫn cát, mua từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về, sau đó sàng lọc thành bột rồi đem trộn với tro trấu đã giã nhuyễn. Tiếp theo là đúc khuôn sáp, công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và quan sát kĩ lưỡng. Vì khuôn sáp tạo dáng thế nào thì sẽ cho ra hình dáng của lư đồng như thế. Nguyên liệu đúc sáp là sáp đèn cày và sáp ong trộn lẫn theo một công thức nhất định. Công đoạn thứ ba là làm khuôn đất để bao bọc khuôn sáp. Công đoạn này cũng rất quan trọng, loại đất được sử dụng phải giã nhuyễn, ray thật mịn để sau này khi đúc, lư đồng sẽ có màu sắc sáng và mịn.

“Khuôn được làm xong sẽ phơi 7-10 ngày cho khô, sau đó đến bước đổ đồng nóng chảy vào. Khâu này yêu cầu người thực hiện phải tỉ mỉ, nhiều kinh nghiệm, canh thời gian nấu đồng thật chính xác, sau đó khéo léo đổ vào khuôn qua hai lỗ nhỏ được tạo dáng từ trước”, nghệ nhân Võ Văn Chinh (62 tuổi) cho biết. Sau đó đến công đoạn đập bỏ khuôn đất, làm nguội, chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí, đánh bóng… Một chiếc lư đồng đạt yêu cầu phải có màu vàng đỏ, bóng và mịn. Những chiếc lư đồng được sản xuất công nghiệp thường có màu vàng xanh, dễ xỉn màu theo thời gian.

Hiện tại, cơ sở sản xuất lư đồng của ông Kiển có 20 nhân công với thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/tháng, tùy vào công đoạn thực hiện. “20 nhân công ấy là chỉ thuê theo thời vụ thôi, vì giáp Tết, các đơn hàng có chiều hướng tăng, chứ ngày thường thì chỉ 5-7 nhân công làm là đủ”, ông Kiển cho biết.

Trông chờ dịp Tết

Lư đồng An Hội có hai loại, loại lư Bắc có dáng tròn hoặc bầu, còn lư Nam có dáng vuông. Giá mỗi chiếc dao động từ 5 đến 15 triệu đồng với loại làm sẵn, còn nếu làm theo yêu cầu của khách hàng thì sẽ cao hơn, vì còn phụ thuộc độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết rồng phượng, trúc mai, song long, phúc lộc thọ... Trung bình, mỗi ngày cơ sở sản xuất của ông Kiển làm ra 3-5 lư đồng, nhưng cả tháng chỉ bán được tầm 10 cái là cao nhất. Ông Kiển cho biết, cả năm chỉ trông chờ vào dịp Tết. Vì các gia đình và chùa chiền bắt đầu sắm lư đồng về thờ cúng. Dịp Tết năm nay, ông nhận được hơn 400 đơn hàng, chủ yếu là từ các tỉnh miền Tây.

Thăng trầm lư đồng An Hội ảnh 1

Làng An Đồng làm lư đồng suốt hơn 200 năm qua. Ảnh: Văn Hiếu

Chị Liên (nhà ở quận 12), từng gắn bó với nghề cả chục năm, hào hứng nói rằng, từ khoảng cuối tháng 10 âm lịch, số khách đặt hàng tăng dần, có những đơn hàng lên đến vài chục bộ. “Bằng công việc này, tôi đã nuôi được hai đứa con ăn học đàng hoàng. Tuy cũng khó khăn và vất vả lắm, nhưng thực tình, tôi chẳng muốn bỏ nghề chút nào. Có khoảng thời gian tôi nghỉ giữa chừng đi buôn ve chai, nhưng rồi thấy nhớ nên lại về đây xin làm. Dù sao thì thu nhập cũng ổn định và không phải chịu mưa nắng”, chị Liên tâm sự.

An Hội từng một thời nổi tiếng khắp Nam kì lục tỉnh, xuất khẩu lư đồng cả sang Lào, Myanmar, Campuchia… Giờ đây chỉ còn lại vài hộ cố giữ lấy nghề. Tuy nhiên, ông Kiển vững tin: “Bao giờ hết người thờ tổ tiên thì làng lư đồng An Hội xưa mới “chết” hẳn”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.