Thang máy chung cư rơi tự do ở Hà Nội: Thiếu kinh phí bảo trì?

Tòa nhà B10A Nam Trung Yên - nơi xảy ra sự cố thang máy nghiêm trọng
Tòa nhà B10A Nam Trung Yên - nơi xảy ra sự cố thang máy nghiêm trọng
TP - Người dân sống trong các tòa nhà tại khu tái định cư (TĐC) Nam Trung Yên nhiều năm qua luôn lo ngại sự cố thang máy xảy ra bất cứ lúc nào vì chất lượng dịch vụ không đảm bảo an toàn tối thiểu.

Bà Lê Thị Xuân - Bí thư chi bộ Tổ dân phố 45 (cư dân ở tòa B10A Nam Trung Yên) cho biết, không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm nay, tòa nhà liên tục gặp sự cố, cư dân đi bộ thay thang máy là chuyện không có gì mới. Được biết, thời điểm đó Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) vẫn quản lý các tòa nhà. 

Sau khi Ban quản trị được thành lập, nơi đây tổ chức họp dân và trích tiền từ quỹ 2% bảo trì chung cư sửa chữa 4 chiếc thang máy để sử dụng.

Thông tin về sự cố rơi thang máy, Handico cho biết, nhà chung cư B10A do đơn vị này làm chủ đầu tư, đã được bàn giao nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 1/2012.

“Tháng 8/2019, UBND quận Cầu Giấy có quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư B10A. Ngày 30/11/2019 Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị (thuộc Handico) đã bàn giao công tác vận hành toà nhà cho Ban quản trị.

Handico cho biết, Ban quản trị đã ký hợp đồng dịch vụ với Cty Cổ phần Tư vấn Xây dựng HMB Hà Nội thực hiện công tác vận hành nhà chung cư, và ký hợp đồng với Cty Cổ phần Tập đoàn công nghệ ATT thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thang máy. Năng lực bảo trì, vận hành do Ban quản trị đánh giá, lựa chọn, Handico không có thông tin.

Lãnh đạo UBND phường Trung Hòa cho biết thêm, tòa B10A Nam Trung Yên là nhà chung cư phục vụ TĐC nên được cơ quan Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (6 hạng mục trong đó có hệ thống thang máy) theo Quyết định số 18/2018 của UBND Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay tòa B10A vẫn chưa được cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, bảo trì các hạng mục.

Theo Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý hàng trăm tòa TĐC trên địa bàn thì việc bảo trì nhà TĐC có nhiều bất cập. Cùng với sự xuống cấp, việc sửa chữa nhà TĐC phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước, khiến mỗi khi có sự cố cần sửa chữa phải chờ Cty quản lý nhà tổng hợp trình cơ quan chức năng rất mất thời gian.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, nguồn kinh phí bảo trì nhà chung cư được lấy từ quỹ bảo trì (2% giá trị căn hộ), tuy nhiên đối với nhà TĐC, giá bán thấp nên quỹ bảo trì không đủ. Thành phố đã có Quyết định 18 cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư TĐC hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và một phần kinh phí quản lý, vận hành. Với các chung cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ, trước ngày 30/10 hằng năm, đơn vị quản lý, vận hành có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì của năm kế tiếp, trình Sở Xây dựng kiểm tra, thẩm định và phê duyệt.

Trước đó, chiều 29/11, tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên, thang máy chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5 bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất.

Hậu quả, bà Lê Thị T. (87 tuổi) bị gãy chân, một phụ nữ khác bị chấn thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Các nạn nhân còn lại may mắn không bị thương. Tuy nhiên, tất cả đều được đưa đi kiểm tra sức khỏe, sau đó các nạn nhân này được cơ quan y tế cho về.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, vụ việc rơi thang máy trên hết sức nghiêm trọng nên đã chỉ đạo các đơn vị, tòa nhà thống kê, rà soát lại tất cả hệ thống thang máy cũ để có biện pháp đảm bảo an toàn cho cư dân.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.