“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi chập chững làm thơ thở nhỏ. Ảnh: Thanh Trần
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi chập chững làm thơ thở nhỏ. Ảnh: Thanh Trần
TPO - “Nhiều người bảo Trần Đăng Khoa là thần đồng, là thiên tài nhưng chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi. Tôi không có tài cán gì, thậm chí rất xoàng. Tôi chỉ có chịu khó đọc sách…”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ với độc giả.

Tối 6/7, trong khuôn khổ Tuần lễ sách Sơn Trà, độc giả Đà Nẵng đã có buổi giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả của những bài thơ ấn tượng với thế hệ học trò, người dân Việt Nam như Mẹ ốm, Hạt gạo làng ta, Góc sân và khoảng trời…

Được gọi là “thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi, rất nhiều độc giả thắc mắc tại sao nhà thơ lại có thể sáng tác ra những bài để đời như vậy từ khi còn rất nhỏ.

Nhà thơ bày tỏ: “Người ta gọi Trần Đăng Khoa là thần đồng, là thiên tài nhưng chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi. Tôi không có tài cán gì, thậm chí rất xoàng. Tôi chỉ có chịu khó đọc sách”.

“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi ảnh 1

Một học sinh đọc bài thơ của tác giả tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Trần

“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi ảnh 2

Rất nhiều câu hỏi từ độc giả nhỏ tuổi. Ảnh: Thanh Trần

“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi ảnh 3

Xúc động khi gặp đồng đội trẻ là chiến sĩ hải quân. Ảnh: Thanh Trần

Tác giả nói sách mở ra cho ông một bầu trời về trí thức, về ngôn từ. Cuốn sách đầu tiên mà ông tiếp xúc là “Tấm lòng chúng em”, tập hợp những tác phẩm của thiếu nhi viết về Bác Hồ. Trong đó có những tác giả  chỉ mới 8 tuổi, 10 tuổi. “Tôi đã trầm trồ tại sao các bạn bằng tuổi mình có thể viết ra những dòng hay như thế. Đọc câu chữ nào cũng mê.

Thế là tôi tiếp tục lao vào đọc sách, càng đọc càng nghiện. Việc đọc của tôi dường như không có điểm dừng lại và học hỏi được vô số điều hay ho từ sách”, nhà thơ tiếp lời. Bị hấp dẫn bởi thơ trẻ em, cậu bé Trần Đăng Khoa lúc bấy giờ cũng bắt chước làm theo, tất cả những gì ông nhìn thấy đều hóa thành thơ, từ khoảng trời, góc sân, con chó…

Nhà thơ kể những bài đầu tiên ông viết rất “thô”, điển hình như “Sao không về chó ơi?”, sau này được chữa lại thành “Sao không về Vàng ơi?”. “Lúc đó tôi miêu tả trần trụi. Con chó nhà tôi bị mất, tôi viết bài khóc chó, với đề cũng là chó và câu kết cũng là chó: Chó ơi là chó ơi! Sau này gửi đi, một bác biên tập chữa từ “chó” lại thành “Vàng”.

Vậy là con chó nhà tôi biến thành con Vàng, dù lông nó màu đen kịt”, tác giả hài hước. Sau nhiều lần bị sửa từ tương tự, cộng với hàng vạn những câu thơ hay đọc được từ sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa mới ngộ ra: phải viết về cái không có nhưng cần phải có.

Đó là “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” của chiếc lá đa dù ở Côn Sơn không có cây đa nào, nhằm tả không gian yên tĩnh tại đây. Là “Nhà em có ảnh bác Hồ/bên trên là một lá cờ đỏ tươi”, dù lúc ấy lá cờ không có, nhưng có hình ảnh lá cờ sẽ bật lên lòng yêu nước, tinh thần cách mạng…

“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi ảnh 4

Một chiến sĩ của Lữ đoàn 83 công binh hải quân từng công tác tại Trường Sa đọc bài thơ về biển đảo tặng tác giả. Ảnh: Thanh Trần

“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi ảnh 5

Buổi giao lưu thu hút sự tham gia nồng nhiệt của các chiến sĩ hải quân. Ảnh: Thanh Trần

“Thần đồng thơ” từ năm 8 tuổi: Chẳng ai hiểu Trần Đăng Khoa bằng tôi ảnh 6

Nhà thơ ký tặng sách cho độc giả hâm mộ cuối chương trình. Ảnh: Thanh Trần

“Vậy bác có lời khuyên gì nếu chúng cháu cũng muốn viết được thơ hay?”, một độc giả nhỏ tuổi hỏi nhà thơ. “Hãy đọc sách, đọc thật nhiều!”, tác giả nói. Theo ông, sách là người bạn trí thức vô tận, tất cả mọi kiến thức, bí mật đều nằm ở trong sách.

Tại buổi giao lưu, tác giả cũng chia sẻ về Tiểu thuyết “Đảo chìm”, tuyển tập truyện ngắn mini viết về lính đảo, nhà giàn…khi ông công tác trên đảo Trường Sa. 

Gặp đồng đội – các chiến sĩ hải quân tại đây, nhà thơ đã rất xúc động và  gửi gắm mỗi chiến sĩ hãy là một cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Đồng thời mong muốn các chiến sĩ khi ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ, hãy nhắn nhủ các chiến sĩ hải quân ngoài đó rằng phía đất liền luôn kề bên, dõi theo và trân trọng sự cống hiến âm thầm của họ. 

MỚI - NÓNG