Tham vọng đưa dàn nhạc dân tộc Việt ra thế giới

Tham vọng đưa dàn nhạc dân tộc Việt ra thế giới
TP - Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vừa ra mắt DVD 'Hồn thiêng sông núi' tuyển chọn tác phẩm của ông công diễn ở Việt Nam từ 2002 đến 2010. Trong đó tác phẩm mới nhất 'Rồng bay khai nhạc' có thể nói đã mở ra một hướng đi mới cho dàn nhạc dân tộc- một dàn nhạc độc đáo biên chế nhạc cụ dân tộc của ta theo kiểu dàn nhạc giao hưởng Tây phương.

> Hồn Việt trong nhạc phẩm lớn nhất về Phật giáo

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã viết gần 90 tác phẩm từ độc tấu đến giao hưởng, opera trình diễn nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: N.Đ.Toán
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã viết gần 90 tác phẩm từ độc tấu đến giao hưởng, opera trình diễn nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: N.Đ.Toán.
 

Trong “Rồng bay khai nhạc”, ông chủ yếu dùng dàn dây trong dàn nhạc dân tộc để tạo hiệu quả âm thanh chứ không chơi giai điệu. Đó là một cách né tránh hạn chế của dàn nhạc này?

Tránh hạn chế thì không dám. Khi đã đồng ý viết cho một dàn nhạc, bất kỳ nhạc sĩ nào cũng tôn vinh dàn nhạc đó bằng cách khai thác sở trường của dàn nhạc. Cùng là nhạc giao hưởng, mỗi dàn nhạc có đặc thù riêng.

Bên cạnh đó, tôi mạnh dạn dùng thủ pháp tiên tiến nhất mới có hy vọng cùng nhạc sĩ trong nước đóng góp để cách tân dàn nhạc dân tộc của mình. Phải có tham vọng làm thế nào để dàn nhạc đó có thể ra thế giới.

Một điểm nữa khi bạn nghe Rồng bay khai nhạc cũng thấy khi sử dụng chất sáo tiêu phỏng theo ngâm thơ hay sử dụng giọng ca trù với đàn đáy thì tôi để nguyên, chứ không cải biên. Cải biên nhạc truyền thống khó lắm. Nhạc truyền thống của mình nó luyến láy, tâm tư, có cái gì xót xa, yêu đương. Mình cải biên nó thẳng băng để đánh chung với dàn nhạc thì cái tinh tế không còn nữa.

Một bản “khai nhạc” thường mở đầu cho những phần tiếp theo. Ông có định cho Rồng bay… tiếp?

Tôi cũng có suy nghĩ tới đây sẽ phát triển thêm một chương mang tính trữ tình lai láng đặc biệt dành cho nhị. Tôi ước mơ khai thác đàn nhị để nó không thua kém dàn dây của Tây Âu.

Viết cho một dàn nhạc còn đang định hình như dàn nhạc dân tộc, ông có gặp hạn chế nào?

Sau khi dấn thân viết cho dàn nhạc dân tộc, tôi khẳng định nó không có hạn chế. Tôi chỉ có thể nói tùy tài năng của người sáng tác. Khi sáng tác, đương nhiên mình cũng mường tượng bản nhạc sẽ như thế nào, nhưng khi tập bài này tôi đã rất ngạc nhiên khi dàn nhạc lại có thể diễn tả hiệu quả được như thế.

Phải công nhận Học viện Âm nhạc Quốc gia đào tạo kỹ thuật nhạc công rất tốt. Dàn nhạc này còn có thể đánh những bài khó hơn nữa, nhưng phải dày công luyện tập.

Con đường sáng tác khí nhạc giàu tính thể nghiệm như của ông hẳn chông gai?

Quá chông gai. Mà tôi nghĩ con đường nào cũng chông gai cả. Đừng tưởng bác nông dân ở làng quê mà yên ổn đâu. Chỉ cần bờ ruộng lấn sang bên kia một cái là đâm chém nhau, không đơn giản. Không nên lý tưởng hóa cuộc đời. Không có chông gai chưa chắc bạn thành công.

Trong con người sáng tác, hai trạng thái sung sướng đau khổ hầu như song hành. Kỳ vọng của tôi là làm thế nào để nền âm nhạc Việt Nam ra có chỗ đứng trên nhạc đàn thế giới. Khó đấy!

Vậy có khi nào ông tính lựa chọn con đường bằng phẳng hơn?

Ui, tôi chả chọn. Cuộc đời bắt mình đi thế, đâu chọn được. Nhưng khi dấn thân vào một con đường để công chúng biết đến thì không thể tránh khỏi chông gai, ưu phiền và… cả những cái sung sướng. Theo tôi, nếu mình chân thành đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, thì có thể vượt qua được một số chông gai.

Còn nếu dấn thân cho cá nhân mình không thôi, chưa chắc thành công. Nhưng cũng không nên quá tự tin nói rằng đó là con đường đẹp và duy nhất. Nó chỉ là một viên gạch nhỏ mình chân thành đóng góp.

Nếu thành quả tốt thì mình cũng sẽ được hưởng nhưng hưởng sau, để cho dàn nhạc được tiếp cận một ngôn ngữ không quen thuộc đã. Không quen thuộc nhưng không có nghĩa là không mang hồn Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG