> Thực phẩm chức năng: Không được nhập nhèm là thuốc
> Cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc, chế phẩm diệt côn trùng, dịch vụ spa, tắm trắng, khám chữa bệnh, hành nghề y dược học cổ truyền, v.v…, có lẽ được quảng cáo khai thác nhiều nhất.
Nói vống, thậm chí nói không đúng sự thật có lẽ gặp nhiều nhất ở nhóm quảng cáo này nếu cơ quan quản lý lơ là kiểm duyệt.
Vậy mà Bộ VH gần như không đưa việc quản lý nội dung quảng cáo nhóm sản phẩm nhạy cảm kia vào dự thảo nghị định, trong khi việc quảng cáo nhiều ngành hàng khác do bộ này quản lý thì lại quy định phải cấp phép.
Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và, nhất là, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đến Bộ VH đề nghị xem xét nhưng cơ quan soạn thảo không hồi đáp. Nói riêng Bộ Y tế, đầu tiên là công văn của một thứ trưởng. Gần tháng không thấy động tĩnh gì, đích thân Bộ trưởng Y tế gửi Bộ trưởng VH và đồng kính gửi cho Thủ tưởng Chính phủ, cho Văn phòng Chính phủ.
Chỉ đến khi các bên liên quan trần tình với các bộ phận chuyên môn ở Văn phòng Chính phủ, và khi báo chí (trong đó có Tiền Phong) vào cuộc, trên mới vỡ lẽ.
Theo chỉ đạo, Bộ VH nay phải mời các bộ ngành khác cùng bàn luận thay vì mình một chiếu. Cũng theo chỉ đạo, tất cả các trái khoáy mà báo chí nêu phải được chỉnh sửa kịp thời, làm lại từ đầu.
Có được kết quả bước đầu phải thừa nhận là nhờ bộ phận chuyên môn ở Văn phòng Chính phủ đã tham mưu kịp thời chính xác cho Thủ tướng Chính phủ, tránh được mối nguy vội ban hành nghị định để Luật Quảng cáo kịp có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2013.
Cũng là tham mưu, cần đặt thẳng câu hỏi “Ai đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ VH để đẻ ra các quy định kỳ lạ trên?”. Tham mưu sai làm mất thì giờ, gây tốn kém tiền bạc của tất cả các bên bởi các chi phí cho soạn thảo văn bản, hàng loạt cuộc họp trao đi đổi lại. Tham mưu sai còn làm phá vỡ quy tắc làm việc tối thiểu trong cơ quan công quyền như tôn trong luật, chia sẻ ý kiến với các bên.
Đã đến lúc phải đặt câu hỏi, có hay không khả năng một bộ phận tham mưu cho lãnh đạo Bộ VH chỉ vì lợi ích nhóm? Đã đến lúc, cần xem lại công tác tham mưu ở các bộ ngành khi hàng loạt quy định kỳ dị vẫn lọt lưới hệ thống kiểm duyệt văn bản pháp luật và ra lò kiểu như quy định chỉ được bán thịt trong tám tiếng sau giết mổ hay quy định xử phạt điều khiển xe không chính chủ.