Tham gia CPTPP, thách thức rất lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)
Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)
TPO - Đây là khẳng định của ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khi trao đổi với PV Tiền Phong về những tác động của CPTPP đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Hiệp định CPTPP đã chính thức được bộ trưởng 11 nước ký kết với những điều khoản cơ bản kế thừa nội dung cơ bản nhất của TPP trước đây. Ông có thể cho biết những thay đổi trong hiệp định CPTPP sẽ ảnh hưởng thế nào với các doanh nghiệp trong nước?

Với CPTPP nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên như TPP, tức tiêu chuẩn cao. Với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển.

Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như: dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Đơn cử như trước đây ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước, nhưng gần đây ta có vươn ra mua sắm công ở nước bên ngoài, chẳng hạn như FPT có dịch vụ phần mềm tại Nhật. Thị trường mua sắm công tại một số nước rất đáng kể. Ngoài mua sắm công về hàng hóa họ còn mua sắm công về dịch vụ. Đây là cái mới, ta mà có khả năng tiếp cận thì doanh nghiệp có được lợi ích thiết thực.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau lợi ích gián tiếp cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Theo nghiên cứu WB, CPTPP sẽ có tác động trực tiếp tăng trưởng 1% GDP nhưng tác động gián tiếp có thể giúp tăng 3,6% trong GDP. Ngoài ra ta triển khai hiệu quả còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan.

Đơn cử như thời gian trung bình để một nước công nhận một mặt hàng tuân thủ quy định đối với nước trong FTA giảm 3 lần so với nước không có FTA. Ví dụ ta xuất khẩu quả thanh long mất nhiều năm để thuyết phục các nước quả thanh long của ta an toàn, nhưng nếu đã có hệ thống thông qua tiêu chuẩn của FTA thì việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn.

Việt Nam trong đàm phán tập trung vào mặt hàng liên quan đời sống của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như nông dân, thủy sản, hải sản, hay một số lĩnh vực có nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Nghiên cứu gần đây cho thấy tác động của CPTPP đối với nền kinh tế tác động xóa đói giảm nghèo tốt, hiệu quả giảm 0,6 triệu người thuộc diện nghèo đói.

Các FTA đều được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại. Vậy khi các nước giảm thuế cho hàng hóa cho Việt Nam xuống còn 0% thì Việt Nam sẽ phải mở cửa thế nào?

Đây là quan hệ 2 chiều. Các nước cùng mở cửa cho nhau. Bên cạnh việc doanh nghiệp Việt có được khi mở rộng thị trường ở các nước thì ta cũng phải  đối đầu cạnh tranh ở mức cao hơn. Ta đã có nghiên cứu, đánh giá ban đầu để điều chỉnh kế hoạch. Lĩnh vực dự kiến có cạnh tranh lớn là ngành chăn nuôi, đặc biệt thịt gà, thịt lợn, có cạnh tranh của nước ngoài cao hơn trước đây. Ngoài ra còn nhiều ngành khác chịu cạnh tranh. Tuy nhiên, ta có nước chuẩn bị khá lâu cho bước chuẩn bị, đã mở cửa cho đối thủ của ta như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Những nước này có cơ cấu hàng hóa tương đồng của Việt Nam.

Cũng cần xét nếu chúng ta chỉ dựa vào thị trường rất nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp của Việt Nam thì cơ hội rất khó, phải đặt chân vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phần lớn các nước đã tính việc này và nếu chỉ nhìn vào thị trường này thì không thể thành công. Có những tranh cãi và có những thực tế cho thấy nếu hội nhập thành công thì sẽ hơn rất nhiều. Dù chúng ta có trình độ thấp hơn nhưng đủ tự tin để thực hiện các cam kết của CPTPP.

Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước trước những khó khăn sắp tới khi các điều khoản của CPTPP được thực thi đầy đủ?

Ta đã có sự chuẩn bị để tham gia các FTA trong thời gian qua. Việc chuẩn bị của doanh nghiệp nhìn chung là tốt và phụ thuộc từng ngành, từng lĩnh vực. Nhưng có những diễn biến mà thậm chí các nhà nghiên cứu cũng không đánh giá được hết. Đơn cử như khi chúng ta tham gia FTA giữa ASEAN và New Zealand, nhiều người nói trong ngành sữa Việt Nam không thể cạnh tranh với Úc, New Zealand, hai nước có khả năng cạnh tranh cao nhất thế giới về sản xuất sữa. Nhiều nhà nghiên cứu cũng nói khi chúng ta đưa thuế về 0% sẽ khiến ngành sữa trong nước chết. Nhưng thực tế, ngành sữa Việt Nam đã vươn lên tầm khu vực và quốc tế những năm gần đây.

Tất nhiên có những ngành vẫn không cạnh tranh được. Nếu không cạnh tranh được thì phải từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất. CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để doanh nghiệp chuẩn bị.

Khi đàm phán ta cũng tính đến sẽ có sự dịch chuyển lao động từ những ngành chưa hiệu quả sang ngành có hiệu quả cao hơn. Đây là luận điểm quan trọng để ta có điều kiện để điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi hơn. Có một nhóm doanh nghiệp được xác định khả năng của họ được chuẩn bị ít hơn và ở thế yếu so với nhóm doanh nghiệp khác trong cạnh tranh quốc tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhóm ta cần đặc biệt ưu tiên trong quá trình thực thi để sao cho họ điều chỉnh được và có sự cạnh tranh được.

Vậy là thành viên của CPTPP, tiếng nói của Việt Nam trong các tranh chấp thương mại quốc tế sẽ được tăng lên?

Ngoài nội dung cụ thể thì theo đánh giá CPTPP có ý nghĩa chiến lược cao. Ta hiện nay trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều thị trường lớn có xu hướng bảo hộ mậu dịch, dựng ra rào cản mới. Có nước bàn đến chiến tranh thương mại, tức là anh dựng hàng rào, tôi cũng dựng để đối phó. Đây là phản ứng tiêu cực và tất cả đều thua. Thay cho việc này, 11 nước CPTPP quyết định có phản ứng tích cực hơn tập hợp nhau lại để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Người ta nói “buôn có bạn, bán có phường”, nếu 11 nước đã thống nhất với nhau nguyên tắc đó thì đây rõ ràng là một tập hợp các nước có quan điểm giống nhau và có tiếng nói rất mạnh.

Cảm ơn ông

MỚI - NÓNG