'Được-mất' khi Việt Nam tham gia CPTPP: Chuyên gia nước ngoài nói gì?

TP - Hai chuyên gia nước ngoài trao đổi với phóng viên Tiền Phong về “được-mất” khi Việt Nam tham gia CPTPP và khả năng Mỹ quay trở lại TPP. Đó là ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc Cty CTRMS Việt Nam (trụ sở ở TPHCM, chuyên về dịch vụ hải quan, thương mại và quản lý rủi ro) và giáo sư Carlyle Thayer - Đại học New South Wales (Úc).

Ông Nestor Scherbey: Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu đãi dưới góc độ thuế nhập khẩu dành cho các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam được xuất khẩu sang các nước CPTPP khác. Mức độ ưu đãi này tương tự trong TPP, dù quy mô lợi ích không lớn bằng vì Mỹ đã rời bỏ TPP. Tuy nhiên, các yêu cầu về thúc đẩy thương mại trong CPTPP cũng có trong Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) WTO mà Việt Nam và tất cả các nước khác thực hiện từ tháng 2 năm ngoái. Tôi hy vọng CPTPP sẽ tăng sự chú ý của Việt Nam tới các cải cách thuận lới hóa thương mại phi thuế quan này bởi vì việc thực hiện chúng có lợi ích lớn hơn các điều khoản thuế quan ưu đãi.

Ngoài ra, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì các công ty toàn cầu được hưởng ưu đãi đối với sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam khi chúng được xuất khẩu sang các thành viên CPTPP khác. Hơn nữa, nhiều nước khác có thể gia nhập CPTPP. Ít nhất 5 nước đã bày tỏ quan tâm gia nhập.

Lúc này, Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp chính. Đó là hiện đại hóa các trình tự thương mại để đơn giản hóa và hài hòa hóa theo yêu cầu của cả CPTPP và TFA WTO càng sớm càng tốt. Về cam kết phi thuế quan, chúng hầu như là giống nhau. Đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu của chính phủ về mở rộng khu vực kinh tế tư nhân vì việc này sẽ dỡ bỏ rào cản doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu để họ hội nhập nhanh hơn.  

Hiện nay, không ai có thể dự đoán chính xác hành động của Mỹ về chính sách thương mại. Tuy nhiên, có hai thực tế đáng lưu ý là các nước CPTPP giữ TPP nguyên vẹn ngoại trừ hơn 20 điều khoản mà Mỹ thực sự muốn có và các nước CPTPP chỉ tạm hoãn các điều khoản này, chứ không phải là hủy hoặc loại bỏ. Điều này có nghĩa họ để ngỏ cánh cửa để Mỹ quay lại ngay sau khi Mỹ đổi ý. Nếu các nước khác, ngoài 11 nước ban đầu, cũng bắt đầu gia nhập CPTPP, tôi nghĩ rằng, khả năng Mỹ tái gia nhập sẽ cao hơn nữa.

Giáo sư Carlyle Thayer: Mối lợi chính mà CPTPP đem lại cho Việt Nam là có được quyền tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và tiếp cận thị trường Canada, Mexico, Chile, Peru mà Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do. CPTPP mang tính mở, các nước và vùng lãnh thổ khác có thể gia nhập, trong đó có Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tốt hơn, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lợi ích tổng thể mà Việt Nam nhận được từ CPTPP nhỏ hơn rất nhiều so với TPP gốc. Việt Nam sẽ không có quyền tiếp cận đặc biệt đối với thị trường Mỹ. Giờ đây, các thành viên CPTPP có quyền tiếp cận ưu đãi đối với thị trường Việt Nam và điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam đối mặt cạnh tranh gay gắt hơn.

Để tận dụng được CPTPP, Việt Nam cần tăng tính cạnh tranh các ngành của mình bằng cách tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách lao động. Việt Nam phải tiến hành những cải cách này để được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ để một số nước không còn chèn ép Việt Nam.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng, Mỹ vẫn xem xét việc tái đàm phán TPP và ông đã có các cuộc thảo luận cấp cao với các nước khác về những điều cần làm để Mỹ gia nhập. Nông dân Mỹ đang vận động hành lang để chính quyền của Tổng thống Donald Trump gia nhập CPTPP để sản phẩm của họ đến được nhiều thị trường hơn. Hiện nay, Tổng thống Trump thích các hiệp định thương mại song phương và ưu tiên cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ. Nếu Mỹ quyết định tái gia nhập TPP, thì nhiều khả năng sẽ dẫn tới các cuộc đàm phán kéo dài. Trước mắt thì khó có khả năng Mỹ gia nhập CPTPP.

MỚI - NÓNG