Khái quát về Hiệp định CPTPP
Hiêp định CPTPP được chính thức đặt tên bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) sau khi Bộ trưởng các nước thành viên tiến hành nhiều cuộc đàm phán trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đến cuối tháng 1/2018, Hiệp định CPTPP đã kết thúc toàn bộ nội dung đàm phán liên quan.
Sau đó vào ngày 21/2/2018, các nước đã công bố văn bản tiếng Anh của Hiệp định CPTPP.
Theo kế hoạch, hiện tại các nước đã hoàn tất các thủ tục trong nước để sẵn sàng cho buổi ký kết Hiệp định vào ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile).
Hiệp định CPTPP về cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Về mặt quy mô, Hiệp định CPTPP chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và thị trường khoảng 500 triệu dân.
Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...
Hiệp định CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
Tác động tích cực tới Việt Nam
Phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định CPTTP sẽ tác động tích cực tới Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Về lĩnh vực kinh tế, do Việt Nam là quốc gia đã tham gia ký vào bản gốc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên những yêu cầu trong Hiệp định CPTPP không gây thêm bất kỳ thách thức mới nào cho Việt Nam.
Trong đó, lợi thế lớn nhất mà Việt Nam được hưởng trong Hiệp định CPTPP về lĩnh vực kinh tế đó là được tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và được tiếp cận những thị trường như Canada, Mexico, Chile và Peru - những nước mà hiện Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại.
Đặc biệt, Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Hiệp định CPTPP cũng mở cửa cho các nước và vùng lãnh thổ khác tham gia, trong đó có thể là Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, khi tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam có quyền tiếp cận ưu đãi với khoảng 500 triệu người tiêu dùng ở một trong những thị trường phát triển năng động nhất trên thế giới.
Về lĩnh vực chính trị, Hiệp định CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Về lĩnh vực đối ngoại, các yêu cầu trong Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn thế giới.