CPTPP đóng băng các điều khoản Mỹ đòi hỏi

Ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản về CPTPP, cầm trên tay phiên bản TPP ban đầu tại một cuộc họp báo hôm 20/2 ở Tokyo. Ảnh: Getty Images.
Ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản về CPTPP, cầm trên tay phiên bản TPP ban đầu tại một cuộc họp báo hôm 20/2 ở Tokyo. Ảnh: Getty Images.
TP - Hôm qua, phiên bản cuối cùng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được hoàn tất và công bố. Những điều khoản mà Mỹ từng đòi đưa vào bị hoãn áp dụng, nhưng vẫn có khả năng sẽ được hồi phục như một cách thể hiện sự sẵn sàng đón Mỹ quay lại.

Trong phiên bản cuối cùng, tổng số 22 điều khoản bị hoãn hoặc thay đổi, trong đó có những điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ được đưa vào từ đầu theo yêu cầu của Washington nhưng khiến một số chính phủ và các nhà hoạt động lo ngại vì có thể làm tăng giá thuốc.

Phiên bản đầu tiên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 thành viên đàm phán bị loại bỏ từ đầu năm 2017 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này nhằm ưu tiên nhiệm vụ bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ.

11 thành viên còn lại, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, đã chốt phiên bản sửa đổi cuối cùng từ tháng 1 vừa qua và đổi tên thành CPTPP và đặt thời hạn dự kiến ký kết thỏa thuận này vào ngày 8/3 tới tại Chile. Thỏa thuận dự kiến sẽ giảm thuế quan ở các nền kinh tế tạo nên tổng số hơn 13% GDP toàn cầu, tương đương 10 nghìn tỷ USD. Nếu có Mỹ, tỷ lệ này sẽ là 40%.

Sự thành công trong việc thống nhất phiên bản cuối cùng được giới chức Nhật Bản và các nước thành viên khác ca ngợi là liều thuốc giải độc chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng ở Mỹ và với hy vọng là Washington cuối cùng sẽ quay lại.

“CPTPP càng trở nên quan trọng hơn vì những mối đe dọa ngày càng tăng đối với việc triển khai các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nói hôm 21/2.

Ông Parker cho biết CPTPP có thể được áp dụng từ cuối năm 2018.Các chính phủ thành viên nhanh chóng ca ngợi các lợi ích kinh tế của thỏa thuận này.

“TPP-11 sẽ giúp tạo việc làm mới cho người Úc trong tất cả các ngành - nông nghiệp, chế tạo, khai khoáng, dịch vụ - vì sẽ tạo ra những cơ hội mới trong một khu vực thương mại tự do trải dài từ châu Mỹ sang châu Á”, Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nói. Chính phủ New Zealand kỳ vọng CPTPP sẽ kích thích nền kinh tế của đảo quốc này thêm từ 1,2-4 tỷ đô la New Zealand mỗi năm, với các nhà xuất khẩu thịt bò và quả kiwi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Nỗ lực kéo Mỹ

Đóng vai trò dẫn dắt kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản nỗ lực giữ thỏa thuận ban đầu không bị thay đổi nhiều trừ những điều khoản có thể được khôi phục để thu hút Mỹ quay lại và tham gia nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Một trong những lý do chính để duy trì khác biệt giữa TPP-12 và TPP-11 ở mức tối thiểu là nhằm thu hút Mỹ quay lại”, ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản về TPP nói tại một cuộc họp báo ở Tokyo hôm 20/2.

“Nói một cách chính thức thì 22 điều khoản đã bị hoãn, nhưng TPP là thỏa thuận tiến bộ. Đó là lý do hiệp định này có thể kết nạp thành viên mới, và thay đổi trong thỏa thuận là điều có thể xảy ra”, báo Japan Times dẫn lời GS Kenichi Kawasaki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách sau đại học ở Tokyo, cho biết. Học giả này từng viết một phân tích kinh tế về phiên bản TPP ban đầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Parker nói rằng triển vọng Mỹ quay lại trong vài năm tới “rất khó xảy ra” và ngay cả khi Washington sẵn sàng tham gia cũng không có gì bảo đảm rằng các thành viên khác sẽ đồng ý áp dụng trở lại những điều khoản treo.

Dù khả năng Mỹ tái tham gia TPP khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng ông Trump nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ vào tháng trước rằng Washington có thể quay lại với hiệp định nếu họ có được thỏa thuận tốt hơn. 25 thượng nghị sĩ Mỹ gần đây thúc giục tổng thống tham gia trở lại quá trình đàm phán, báo Washington Post đưa tin.

“Có những cân nhắc địa chính trị quan trọng khiến người Nhật Bản chủ động hơn trong chính sách đối ngoại. Về lâu dài, mục tiêu là ràng buộc Mỹ vào cấu trúc khu vực bằng cách khuyến khích họ trở lại TPP. Về trung hạn, đó là về hợp tác phát triển giữa các nước nhằm chế ngự sự bành trướng thương mại của Trung Quốc trong những lĩnh vực như năng lực sản xuất thép quá dư thừa và chuyển giao công nghệ ép buộc”, nhà nghiên cứu Mireya Solis, công tác tại Viện Brookings ở Washington, đánh giá.

Dù Mỹ có quay lại với các thỏa thuận thương mại ở châu Á hay không, Tokyo dường như đang nỗ lực kéo Mỹ vào những mặt trận khác ở khu vực. Đầu tuần này có một số bài báo nói rằng Nhật Bản đang nỗ lực tạo nên một thỏa thuận hạ tầng khu vực cùng với Mỹ, Ấn Độ và Úc. Ý tưởng này được coi như để đối trọng với sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.

“Không thể phủ nhận rằng việc Mỹ rút khỏi TPP làm xáo động lòng tin trên khắp châu Á về sự cam kết của Mỹ về việc duy trì một sức mạnh ở Thái Bình Dương và cổ vũ cho pháp quyền. Với TPP-11, Nhật Bản đã đóng vai trò dẫn dắt, nhưng sự kỳ vọng là Tokyo sẽ tiếp tục cổ vũ thỏa thuận thương mại này cho đến khi Mỹ trở lại thời kỳ của những thỏa thuận thương mại đa phương”, bà Shihoko Goto, nghiên cứu sinh cấp cao về Đông Bắc Á tại Trung tâm Wilson tại Washington, nhận định.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.