Thách thức lớn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi dự luật nhằm đưa người tị nạn trái phép đến Rwanda (gọi tắt là dự luật Rwanda) được công bố hôm 7/12, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã vấp phải những sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, trong đó có việc Bộ trưởng Di trú Robert Jenrick từ chức. Sự kiện này được cho là một trong những thử thách lớn nhất đối với vai trò lãnh đạo của ông Sunak kể từ khi lên nắm quyền cách đây hơn một năm.
Thách thức lớn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak ảnh 1

Vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ gặp hai thử thách lớn trong tuần tới (Ảnh: Reuters).

Các nhóm nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đang nghiên cứu và xem xét một cách kĩ lưỡng dự luật Rwanda, trước khi tiến hành bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ dự luật này vào thứ Ba (12/12) tới. Trong đó, quan điểm của nhóm nghị sĩ trong đảng với tên gọi “Star Chamber” sẽ ảnh hưởng lớn đến việc dự luật có được thông qua hay không.

Sir Bill Cash, nghị sĩ có thâm niên lâu nhất ở Hạ viện Anh thời điểm hiện tại, cho biết nhóm “Star Chamber” đang phân tích dự luật Rwanda một cách chi tiết. Dự kiến vào đầu tuần tới nhóm này sẽ đưa ra kết luận cụ thể về dự luật này trước khi hai viện của Quốc hội Anh tiến hành bỏ phiếu.

Một số nhóm nghị sĩ khác cũng có cách tiếp cận tương tự. Nhóm nghị sĩ có tính chủ nghĩa dân tộc cao trong đảng Bảo thủ (One Nation Conservatives) cho biết quyết định ủng hộ, phản đối hay bỏ phiếu trắng sẽ được quyết định sau cuộc họp của nhóm vào tối thứ Hai (11/12) tới, sau khi đã có thời gian đọc kỹ dự luật Rwanda.

Mặc dù các nhóm nghị sĩ đều chưa thể hiện quan điểm rõ ràng về dự luật Rwanda, tuy nhiên theo những gì lãnh đạo nhóm One Nation Conservatives mô tả, đang có những “sự quan ngại sâu sắc” từ các nghị sĩ, trong đó có việc dự luật cho phép các bộ trưởng có thẩm quyền bỏ qua dự luật về Nhân quyền (thông qua năm 1998) để trục xuất những người tị nạn trái phép.

Thậm chí, Thủ tướng Anh Rishi Sunak có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong trường hợp dự luật Rwanda không thể thông qua. Một số nghị sĩ được cho rằng đã thể hiện sự mất niềm tin vào ông Sunak, nhất là các nghị sĩ đã phản đối công khai với dự luật này.

Trong đó, cựu Bộ trưởng Di trú Robert Jenrick, người từ chức ngay sau khi dự luật Rwanda được công bố, và cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman đã kết luận trước truyền thông tại xứ sở sương mù rằng dự luật này lần lượt là “không đủ mạnh” và “thất bại từ trong trứng nước”.

Thách thức lớn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak ảnh 2

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Bravermann thường xuyên chỉ trích các chính sách của chính phủ nước này kể từ khi bị ông Sunak bãi nhiệm tháng trước (Ảnh: The Telegraph).

Trước khi các nghị sĩ tiến hành bỏ phiếu về dự luật Rwanda, Thủ tướng Anh Rishi Sunak còn có một mối bận tâm lớn nữa khi ông sẽ xuất hiện trước Ủy ban điều tra về cách Chính phủ Anh (dưới thời cựu thủ tướng Boris Johnson) xử lý cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Hai sự kiện lớn trong tuần tới (phiên điều trần COVID-19 và buổi bỏ phiếu dự luật Rwanda) nhiều khả năng sẽ có những tác động lớn đến vai trò lãnh đạo của ông Sunak, kể từ khi vị thủ tướng gốc Ấn Độ lên nắm quyền cách đây hơn một năm.

Theo BBC (phân tích của nhà báo Chris Mason)
MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.