Tuần tới, cựu Thủ tướng Anh Johnson điều trần về xử lý đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng thứ tư (6/12) tới, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tham dự phiên điều trần về cách chính phủ nước này xử lý cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây sẽ là sự kiện nhận được nhiều sự chú ý của dư luận tại xứ sở sương mù khi vị cựu thủ tướng 59 tuổi không chỉ là người đứng đầu Chính phủ Anh trong cao điểm dịch COVID-19 mà còn phải nhận nhiều lời chỉ trích ở các phiên điều trần diễn ra trước đó.
Tuần tới, cựu Thủ tướng Anh Johnson điều trần về xử lý đại dịch COVID-19 ảnh 1

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc họp báo về đại dịch COVID-19 (Ảnh: BBC).

Phiên điều trần của cựu Thủ tướng Johnson sẽ bắt đầu từ lúc 10 giờ sáng (giờ Anh) ngày 6/12 và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang ngày tiếp theo. Luật sư Hugo Keith, một trong những luật sư tranh tụng cấp cao hàng đầu của Vương quốc Anh, sẽ là người trực tiếp đặt câu hỏi đối với vị cựu thủ tướng 59 tuổi trong vòng tối thiểu 12 giờ đồng hồ.

Được biết, ông Johnson đã dành phần lớn thời gian trong những tháng vừa qua để chuẩn bị cho buổi làm việc sắp tới, bao gồm việc nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu, đồng thời phải gửi trước một bản thông cáo dài 200 trang đến Ủy ban điều tra. Luật sư Brian Altman là cố vấn của vị cựu thủ tướng 59 tuổi trong quá trình chuẩn bị này.

Phiên điều trần này sẽ tiếp tục làm rõ cách Chính phủ Anh do ông Johnson đứng đầu đưa ra các quyết định phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh những lời khai của các nghị sĩ thuộc nội các thời điểm đó, các chuyên gia y tế - khoa học, cùng những người từng là cố vấn thân cận đã cho thấy ông Johnson đã thiếu quyết đoán và bị “đặt dấu hỏi lớn” về khả năng ra các quyết định phòng chống dịch mang tính then chốt như phong tỏa toàn quốc.

Dominic Cummings, người từng được coi như “cánh tay phải” của ông Johnson đã ví sếp cũ của mình như “xe đẩy hàng” khi liên tục thay đổi ý định của bản thân. Cựu chánh văn phòng trong cao điểm dịch COVID-19 và từng là một đồng minh chính trị lâu năm của cựu Thủ tướng Johnson, ông Edward Udny-Lister, trong một phiên điều trần cũng xác nhận rằng ông Johnson đã nói “thà để xác người chất đống còn hơn phong tỏa một lần nữa” hồi tháng 8/2020. Ông Johnson từ lâu đã bác bỏ cáo buộc này.

Những lời khai trong các buổi điều trần vừa qua cũng cho thấy sự tồn tại của “văn hóa làm việc độc hại" trong cách vận hành của Chính phủ Anh thời ông Johnson là thủ tướng. Một trong những chứng cứ đáng chú ý nhất là trích đoạn tin nhắn giữa Mark Sedwill, người là thư kí nội các (vị trí công chức cấp cao nhất ở Anh) khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát và người kế nhiệm Simon Case, hiện vẫn đang giữ chức vụ này.

Ông Case trong tin nhắn đã nói với ông Sedwill, rằng bản thân “khó có thể tại vị hơn 6 tháng” khi những đồng nghiệp xung quanh “như những người mất trí”, dù sự độc hại này chưa trực tiếp nhắm vào ông. Vị thư kí nội các đương nhiệm cũng tiết lộ đã nói với ông Johnson rằng rất nhiều nhân sự cấp cao không còn muốn làm việc ở phố Downing vì “sự độc hại” trong cách điều hành công việc của vị cựu thủ tướng 59 tuổi.

Trong những buổi điều trần dành cho một số cựu bộ trưởng trong nội các của cựu Thủ tướng Johnson diễn ra trong tuần, cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid nói rằng ông Johnson không đủ khả năng điều hành chính phủ, và trên thực tế cố vấn Cummings mới là người đưa ra các quyết định quan trọng của Chính phủ Anh trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19.

Người tiền nhiệm của ông Javid là Matt Hancock trong một phiên điều trần cũng cho rằng cố vấn Cummings là người “đã tạo ra không khí làm việc độc hại ở phố Downing” trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở đảo quốc sương mù.

Tuần tới, cựu Thủ tướng Anh Johnson điều trần về xử lý đại dịch COVID-19 ảnh 2

Cựu Bộ trưởng Y tế Matt Hancock là một trong những cá nhân tham gia lấy lời khai trong tuần vừa qua (Ảnh: BBC).

Trước những thông tin chống lại mình tính đến thời điểm hiện tại của cuộc điều tra, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson được kì vọng sẽ đưa ra lời xin lỗi công khai trong phiên điều trần ngày 6/12 tới, đồng thời thừa nhận chính phủ của ông ban đầu đã tự mãn, dẫn đến những sai lầm trong việc xử lý cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, ông Johnson được cho sẽ “tranh luận quyết liệt” để bảo vệ các thành tựu mà chính phủ của ông đã đạt được như chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cũng như đạt được trạng thái “bình thường mới” sớm hơn các quốc gia phát triển khác.

Theo BBC, The Guardian và Financial Times
MỚI - NÓNG