Tết buồn ở những trường nghề trăm tỷ chờ học viên

Không ít trường nghề ở Hà Tĩnh được đầu tư cả chục tỷ đồng, thậm chí có trường cả trăm tỷ với cơ sở vật chất hiện đại được đưa vào sử dụng đã nhiều năm nhưng vẫn phải hoạt động "cầm chừng" vì không hút được học viên.

Trường học thành nơi…chăn bò

Tháng 11/2013, Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh khi chỉ còn 2 lớp (khoảng 30 sinh viên) đã sáp nhập vào Trường ĐH Hà Tĩnh.

Tết buồn ở những trường nghề trăm tỷ chờ học viên ảnh 1

Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã bỏ hoang nhiều năm nay

Cũng từ đây, Trường ĐH Hà Tĩnh không có ý định sử dụng khuôn viên Trường Trung cấp Kỹ thuật này vào mục đích giảng dạy hay nghiên cứu.

Chính vì thế, dù tọa lạc tại vị trí "đắc địa" ở thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân) với khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh vẫn bỏ hoang.

Các phòng học, phòng thí nghiệm xuống cấp nghiêm trọng, cỏ mọc um tùm, thậm chí sân bãi trong trường trở thành nơi chăn thả trâu bò, khiến cho ai đi ngang qua cũng lắc đầu xót xa.

Được biết, Trường ĐH Hà Tĩnh đang "rao bán" địa điểm Trường Trung cấp kỹ thuật này nhưng đã nhiều năm trôi qua vẫn không tìm được "đối tác" chịu chi tiền mua lại.

Ở huyện Hương Khê, vào đầu năm học mới 2014, Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên được chuyển từ cơ sở cũ ở thị trấn Hương Khê đến cơ sở mới ở xã Hương Bình.

Với chi phí đầu tư xây dựng mới gần 40 tỷ đồng, dãy nhà chính của trường gồm có 8 phòng cùng với một số phòng thực hành. Các phòng học được trang bị máy chiếu, bàn ghế khá hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, ngôi trường này cũng chỉ thu hút được 138 học viên theo học, trong khi chỉ tiêu đề ra mỗi khóa là trên 500 học viên.

Trường trăm tỷ hoạt động "cầm chừng"

Vào cuối năm 2010, nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa nhân lực trong tỉnh vào làm việc tại các dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định phê duyệt Dự án xây dựng Cơ sở đào tạo CĐ nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh với diện tích hơn 16 ha, có tổng mức đầu tư 519 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa) tại xã Kỳ Trinh (huyện Kỳ Anh).

trường nghề, học viên, Tết

Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên Hương Khê cũng được đầu tư gần 40 tỷ đồng nhưng cũng không thu hút được học viên

Dự án do Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Theo tính toán ban đầu, năm 2015, cơ sở này sẽ đưa vào sử dụng và mỗi năm, có thể đào tạo 5.000 học viên/năm.

Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn nên tại cơ sở đào tạo này vẫn xây dựng theo từng giai đoạn. Tính tới thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ mới "rót" gần 200 tỷ để xây dựng cơ sở vật chất. Vì thế, cũng chỉ mới một số hạng mục được đưa vào sử dụng là khu nhà 4 tầng để học lý thuyết cùng 2 xưởng thực hành.

Thầy Nguyễn Bá Tài, trưởng Phòng tuyển sinh và kết nối doanh nghiệp cơ sở này cho hay, khoảng tháng 10/2012, lãnh đạo nhà trường đã đề xuất tuyển sinh. Tại năm đầu tiên, trường chỉ thu hút được khoảng 100 học viên theo học, những năm tiếp theo cũng không khá hơn với 100 rồi 80 học viên. Gần đây nhất là năm 2014, cơ sở này cũng chỉ tuyển sinh được 160 học viên, mỗi lớp được khoảng 15-20 em.

Trước thực trạng: người học nghề không có, tiền dự án bị cắt, công trình bỏ dở chừng, đã có những lúc, lãnh đạo trường cùng chủ đầu tư tính phương án đưa bộ đội xuất ngũ vào học. Tuy nhiên, cách này cũng không thể thực hiện được, bởi bộ đội xuất ngũ chỉ học nghề tại trường của quân đội, không học cơ sở ngoài.

Ông Trần Đắc Hòa, phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án cho biết, vì khó khăn nguồn vốn nên cơ sở chưa thể xây dựng hoàn thiện được. Hiện chỉ mới có lớp học là 1 căn nhà 4 tầng, 2 xưởng thực hành hoàn thành còn ký túc xá cho sinh viên, căn tin, đường dây điện, đường dẫn vào trường cũng chưa có.

"Vì không có chỗ ăn, chỗ ở, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên không thu hút được học viên. Biết là lãng phí nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Phải chờ vốn mới hoàn thiện được"- ông Hòa phân trần.

trường nghề, học viên, Tết

Cơ sở đào tạo CĐ nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh được đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng cũng hoạt động cầm chừng

Nói về giải pháp, ông Hòa chia sẻ, hiện trường đã tuyển thêm được 1.000 học viên. Trường sẽ bố trí khu nhà 4 tầng thành nơi vừa học, vừa ăn và chỗ ngủ cho học viên, có như vậy mới "giữ" và thu hút được người học. Tuy nhiên, cũng phải tới tháng 5/2015 mới bắt đầu thực hiện "thay đổi" này. Và từ giờ tới đó, trường vẫn phải họat động "cầm chừng".

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo vietnamnet.vn
MỚI - NÓNG