Washington Post đưa tin, theo một chương trình bí mật kéo dài hai năm qua, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cung cấp tên lửa chống tăng BGM-71 TOW cho phe nổi dậy thuộc nhóm Quân đội Giải phóng Syria (FSA) để chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Và hiện tại, khi Nga tham chiến ở Syria, vai trò của tên lửa BGM-71 TOW bất ngờ trở nên quan trọng hơn so với những gì Mỹ dự tính.
Các quan chức Mỹ khẳng định tên lửa BGM-71 TOW chính là yếu tố giúp quân nổi dậy Syria đánh chiếm nhiều khu vực ở miền tây bắc nước này trong thời gian qua. Quân nổi dậy gọi tên lửa này là "Thuần hóa Assad".
Những ngày gần đây phe nổi dậy cũng dựa vào tên lửa BGM-71 TOW để chống lại các đợt tấn công dữ dội của quân đội Syria được máy bay chiến đấu Nga yểm trợ.
Sức mạnh tên lửa chống tăng
Từ giữa tuần trước, khi quân đội Syria bắt đầu mở chiến dịch phản công với sự yểm trợ của máy bay Nga, hàng chục video xuất hiện trên Youtube, quay cảnh quân nổi dậy bắn tên lửa BGM-71 TOW vào các xe tăng và xe quân sự do Nga sản xuất của lực lượng Assad. Phe nổi dậy khẳng định trong ngày đầu tiên (7-10) đã phá hủy 24 xe tăng.
"Đó là cuộc thảm sát xe tăng", Đại úy Mustafa Moarati thuộc nhóm nổi dậy Tajamu al-Izza mô tả.
Các thủ lĩnh nổi dậy tiết lộ CIA đã đẩy nhanh vận chuyển thêm tên lửa BGM-71 TOW sau khi Nga mở chiến dịch không kích tại Syria. Các nhà quan sát nhận định tình hình hiện tại ở Syria gợi nhớ lại vai trò của tên lửa Stinger do Mỹ cung cấp cho du kích Afghanistan, buộc quân đội Liên Xô phải rút khỏi quốc gia này hồi thập niên 1980.
Chương trình tên lửa BGM-71 TOW do CIA khởi xướng, hoàn toàn không liên quan đến chương trình đào tạo và trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Syria để chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai nhưng thất bại.
CIA đặt mục tiêu hỗ trợ quân nổi dậy chống chế độ Assad bằng thứ vũ khí phá hủy sức mạnh chủ yếu của quân đội Syria và xe tăng và xe bọc thép. CIA mua tên lửa BGM-71 TOW từ kho dự trữ của Saudi Arabia và vận chuyển vào Syria qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số quan chức Nhà Trắng cho biết với chương trình tên lửa BGM-71 TOW, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn gây sức ép quân sự đủ mạnh lên chính quyền Assad để ông ta buộc phải nhượng bộ, chấp nhận đàm phán chấm dứt xung đột và từ bỏ quyền lực.
"Tên lửa TOW đã triệt phá lợi thế quân sự của quân đội Assad là xe tăng và xe bọc thép. Nó phát huy tác dụng giống như tên lửa Stinger ở Afghanistan" - nhà phân tích Jeff White thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) nhận định.
Chuyên gia Oubai Shahbandar ở Dubai (UAE) cũng đánh giá tên lửa TOW đóng vai trò lớn trong việc quân nổi dậy làm suy yếu nghiêm trọng quân đội Syria, khiến chính quyền Assad đối mặt với nguy cơ đánh mất lãnh thổ ở miền tây bắc. "Kể cả người Mỹ cũng ngạc nhiên với hiệu quả của tên lửa TOW", ông Shahbandar nhấn mạnh.
Đối đầu gián tiếp Mỹ - Nga
Nhưng chiến trường Syria lại chuyển biến với sự can thiệp của Nga. Chuyên gia Shahbandar cho rằng nguyên nhân hàng đầu là do Moscow xác định lực lượng Assad đang thất thế trước các nhóm nổi dậy được trang bị tên lửa Mỹ.
Một số quan chức Nhà Trắng cho biết không phải ngẫu nhiên các vị trí đầu tiên bị máy bay Nga đánh bom ở Syria là những địa điểm quân nổi dậy với tên lửa TOW giành được nhiều chiến thắng nhất trong thời gian qua.
Diễn biến mới trên chiến trường đang đẩy Mỹ và Nga rơi vào một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" (xung đột giữa hai quốc gia không trực tiếp giao tranh trên chiến trường), dù trước đó Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định "chúng tôi sẽ không biến Syria thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Washington và Moscow".
"Đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngẫu nhiên - nhà phân tích Jeff White nhận định - Quân nổi dậy có rất nhiều tên lửa TOW. Quân đội chính quyền Syria tấn công nổi dậy với sự hỗ trợ của Nga. Đó không phải là chiến tranh ủy nhiệm do chủ ý ban đầu". Giới phân tích quân sự cũng dự báo với việc Nga tăng cường không kích dữ dội, tên lửa TWO của quân nổi dậy sẽ chỉ đủ sức làm chậm lại, chứ không thể ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria.
Nguồn tin từ Washington tiết lộ quân nổi dậy đã đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa phòng không Stinger để đối phó với máy bay Nga. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cũng vận động Mỹ. Tuy nhiên chính quyền Obama không muốn làm như vậy vì lo sợ tên lửa Stinger rơi vào tay khủng bố IS. Dù vậy, chương trình cung cấp tên lửa TOW vẫn sẽ tiếp diễn.
Chuyên gia Shahbandar cho biết chương trình tên lửa TWO không cần sự phê chuẩn chính thức của ông Obama để tiếp tục. "Nó không cần đèn xanh của chính phủ Mỹ để tiếp tục. Chỉ đèn vàng là đủ. Đây là chương trình quân sự mật và có thể bị phủ nhận. Nhưng đó là bản chất của chiến tranh ủy nhiệm" - ông Shahbandar khẳng định.