Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B được phóng lên từ trạm phóng vệ tinh Văn Xương, Trung Quốc. |
Đây là lần thứ tư trong vòng hai năm, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B (Long March 5B) rơi trở lại Trái đất trong một chuyến bay thử nghiệm không kiểm soát.
Tên lửa 23 tấn này, được phóng vào ngày 31/10 để đưa mô-đun cabin phòng thí nghiệm Mộng Thiên tới trạm vũ trụ Thiên Cung, được dự đoán sẽ quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất vào thứ Bảy, ngày 5 /11, theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu mảnh vỡ quỹ đạo của Tập đoàn Hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Theo The Aerospace Corporation, một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận do chính phủ Mỹ tài trợ có trụ sở tại California, Mỹ. Đây là lần thứ tư trong vòng hai năm Trung Quốc để cho tên lửa rơi trở lại Trái đất một cách thiếu kiểm soát. Các vụ rơi trước đó đã diễn ra khi mảnh vụn của tên lửa Trung Quốc rơi xuống các ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, Ấn Độ Dương gần Maldives và các khối tên lửa rơi xuống gần các ngôi làng ở Borneo một cách nguy hiểm.
Giai đoạn đầu của tên lửa, phần tăng cường của nó, thường là phần lớn nhất và mạnh nhất - và ít có khả năng bị cháy hoàn toàn. Các kỹ sư đã cố gắng lập trình để các mảnh vụn của tên lửa rơi xuống đại dương một cách vô hại.
Tuy nhiên, các động cơ tăng áp của tên lửa tăng cường Long March 5B không thể khởi động lại sau khi chúng đã dừng lại, khiến động cơ tăng áp khổng lồ chuyển động theo hình xoắn ốc quanh Trái đất trước khi hạ cánh ở một vị trí không thể đoán trước.
Trung Quốc khẳng định rằng, việc tái xuất không kiểm soát này là bình thường và bác bỏ lo ngại về thiệt hại tiềm ẩn của “rác vũ trụ”.
Theo The Aerospace, tỷ lệ một người nào đó sẽ bị tổn hại bởi tên lửa rơi là rất nhỏ (với xác suất là 1 trên 10 nghìn tỷ đến 1 trên 6 nghìn tỷ).
Quản trị viên Bill Nelson của NASA đã viết trong một tuyên bố sau vụ hạ cánh của tên lửa 5B hồi tháng 3 năm 2021: "Các quốc gia phóng tên lửa lên vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi đưa các vật thể lên vũ trụ và tối đa hóa tính minh bạch liên quan đến các hoạt động đó. Rõ ràng là Trung Quốc đang không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh rác vũ trụ của họ."
Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, có khối lượng bằng 1/4 so với Trạm vũ trụ quốc tế, dự kiến sẽ ở trong quỹ đạo thấp của Trái đất trong ít nhất 10 năm. Các phi hành đoàn gồm ba phi hành gia luân phiên sử dụng trạm này để thực hiện các thí nghiệm và kiểm tra công nghệ mới, chẳng hạn như đồng hồ nguyên tử siêu lạnh.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện trong không gian của mình để bắt kịp Mỹ và Nga. Tàu thám hiểm của Trung Quốc đã hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng vào năm 2019 và lấy các mẫu đá từ bề mặt Mặt trăng về Trái đất vào năm 2020. Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng, nước này sẽ thành lập một trạm nghiên cứu Mặt trăng trên cực nam của Mặt trăng vào năm 2029.