Tây Ninh: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố

0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 của tỉnh Tây Ninh xếp 4/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tây Ninh: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố ảnh 1

Thi công hạ tầng ở Tây Ninh

Tính đến đầu tháng 10/2023, Tây Ninh đã giải ngân 2.612,546 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 57,05% kế hoạch HĐND tỉnh giao; ước giải ngân đến ngày 31.10.2023 là 2.985,515 tỷ đồng, đạt 73,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 65,19% kế hoạch HĐND tỉnh giao. UBND tỉnh Tây Ninh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2023 cho 60 dự án với tổng số vốn là 113,601 tỷ đồng.

Đạt được kết quả khả quan trên, nhờ sự lãnh đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Các đơn vị nỗ lực trong công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, theo UBND tỉnh Tây Ninh thì thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh những giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường; chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sở Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ODA, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý các đơn vị, địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý dự án yếu hoặc vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;

Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cần quy định xem xét tổng thể hồ sơ chỉ trả một lần, không trả hồ sơ quá hai lần với nội dung khác nhau, thời gian xem xét và trả hồ sơ không quá 1/3 tổng thời gian thẩm định. Đồng thời, khẩn trương sắp xếp, bố trí thời gian kiểm tra hồ sơ chất lượng nghiệm thu công trình trong thời gian sớm nhất (tối đa không quá 5 ngày) khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu của các chủ đầu tư.

Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư công; quan tâm, chỉ đạo các cán bộ chuyên môn ưu tiên, xử lý nhanh các hồ sơ trình thanh toán của các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của tỉnh.

Các đơn vị chủ đầu tư được giao vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân đã cam kết phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Khẩn trương lập kế hoạch tiến độ, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập hồ sơ dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật ngay sau khi có quyết định phân khai vốn chuẩn bị đầu tư dự án; nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường...

Các chủ đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký hợp đồng, bảo đảm đủ số lượng chỉ huy trưởng, kỹ thuật, nhân công phù hợp để thi công các gói thầu, không để xảy ra trường hợp không bố trí đủ nhân lực thực hiện theo đúng kế hoạch yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án…

MỚI - NÓNG