Tây Nguyên: Nhiều cặp đôi hiến máu

Vợ chồng anh chị Bùi Trọng Hiển - Trần Thị Hồng Phương hiến máu
Vợ chồng anh chị Bùi Trọng Hiển - Trần Thị Hồng Phương hiến máu
TP - Nhiều đôi vợ chồng rủ nhau tới sự kiện Chủ nhật Đỏ (ngày 24/1 tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) hiến máu; có cặp còn mặc đồ đôi tạo điểm nhấn. Đặc biệt, một thanh niên tranh thủ đến hiến máu sớm nhất để kịp về đi hỏi vợ...

Hiến máu xong về làm lễ ăn hỏi

Anh Lê Anh Tuấn (35 tuổi, giáo viên Tin học Trường THCS Nguyễn Văn Bé, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) đến Chủ nhật Đỏ sớm nhất để hoàn thành nghĩa cử hiến máu cứu người rồi mới về lo việc riêng. “Tôi đã 9 lần hiến máu nhân đạo. Đây có lẽ là lần cho máu đặc biệt nhất trong đời, vì sau ít phút nữa, tôi có mặt ở nhà vợ chưa cưới để làm lễ ăn hỏi. Hai bên gia đình nội ngoại đều ủng hộ việc làm của tôi”, anh Tuấn chia sẻ tại sự kiện Chủ nhật Đỏ.

Sau anh Tuấn đến lượt Trung úy Nguyễn Trung Hải (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar) hiến máu. “Sáng nay, tôi có kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, tôi đã đợi sự kiện Chủ nhật Đỏ rất lâu nên đến hiến sớm, kịp về đi thi. Tôi có trên 10 lần hiến máu tình nguyện, trong đó 2 lần hiến tại chương trình Chủ nhật Đỏ”, anh Hải nói.

Rẫy cà phê của gia đình chín trĩu cành, ông Y Woăn Mlô (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) vẫn gác lại để đi hiến máu. “Tôi có gần 2 ha cà phê đang thu hoạch nhưng không sao, hiến xong chạy về hái tiếp. Hiến máu rất tốt, nhưng tôi lu bu công việc, chưa tham gia nhiều. Giờ có đợt lấy máu, tôi đăng ký đi ngay, kẻo hết tuổi hiến lại tiếc”, ông Y Woăn nói. Cùng tham gia hiến máu, ông Lê Minh Hòa (Chủ tịch UBND xã Ea Drơng) cho biết: “Phong trào hiến máu ở xã sôi nổi lắm, năm nào cũng vượt chỉ tiêu được giao. Đơn cử, chương trình Chủ nhật Đỏ hôm nay, toàn xã đi 150 người, trong khi chỉ tiêu là 100 người. Chúng tôi thường thông qua các cuộc họp dân để vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cán bộ phải tiên phong. Bản thân tôi đã trên 20 lần cho máu”.

Hơn 23 lần cho máu, anh Lê Anh Phương (Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cư M’gar) vẫn chưa có ý định dừng lại. Anh Phương kể: “Thời sinh viên, tôi từng cho máu trực tiếp để cứu bệnh nhân. Cứu được mạng người bằng giọt máu của mình, tôi hạnh phúc lắm. Từ đó, mỗi lần có đợt hiến máu tình nguyện, tôi sẵn sàng đi hiến”. Sáng sớm, chị H’ Hoài Kdoh (nhân viên y tế Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) vượt chặng đường hơn 20 cây số đến điểm hiến máu. “Tôi làm trong ngành y nên rất hiểu ý nghĩa của giọt máu nhân đạo. Bản thân tôi tham gia hiến máu từ rất sớm, đến nay đã 15 lần”, chị H’ Hoài chia sẻ.

Vợ chồng rủ nhau

Tại buổi hiến máu Chủ nhật Đỏ, chị Trần Thị Hồng Phương cùng chồng, anh Bùi Trọng Hiển (nhà ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) gây ấn tượng với trang phục cặp đôi. Chị Phương nói: “Tôi mới hiến được 2 lần và thấy tiếc vì điều đó. Trước đây, tôi sợ hiến máu do nghe nói không tốt cho sức khỏe. Về sau, chồng tôi dẫn tôi đến các đợt hiến máu. Đầu năm 2020, tôi hiến lần đầu. Từ giờ, tôi sẽ hiến thường xuyên, khi con đủ tuổi, tôi sẽ động viên đi hiến”.

Vượt qua nỗi sợ kim tiêm, chị Lê Thị Hòa Nam (giáo viên Trường THCS Đinh Núp, xã Ea Tar) lần thứ 2 hiến máu. Chồng chị, anh Nguyễn Lê Mai, tâm sự: “Trước kia, vợ tôi nhút nhát lắm, nhìn thấy kim tiêm như muốn xỉu. Tôi phải làm công tác tư tưởng, động viên, đưa vợ đi cùng rồi xung phong hiến luôn”.

Đồng hành với chuỗi sự kiện Chủ nhật Đỏ luôn có hình ảnh “áo xanh”. Vừa hiến máu xong, anh Huỳnh Xuân Lợi (Phó Chủ tịch Hội LHTN, Phó Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống huyện Cư M’gar) xắn tay phục vụ chương trình. Anh Lợi cho biết, có hơn 30 tình nguyện viên làm công tác hậu cần và hàng trăm đoàn viên thanh niên hiến máu. Ngoài hiến máu phong trào, mỗi thanh niên còn làm “ngân hàng máu sống”, sẵn sàng cho máu cấp cứu bất kể ngày đêm.

Hòa cùng không khí sôi động Chủ nhật Đỏ là bóng dáng chiến sĩ công an nhân dân. Thượng úy Hoàng Trung Hiếu (Bí thư chi Đoàn 3, Trại giam Đắk Trung thuộc Cục C10 - Bộ Công an) cho hay, đơn vị có 12 cán bộ, chiến sĩ hiến máu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ còn đưa theo vợ, con tham gia. Thiếu tá Trần Đức Thắng (Phó trưởng Công an xã Ea Drơng) nói rằng, Chủ nhật Đỏ diễn ra vào ngày nghỉ nên cả vợ chồng cùng đi; nhân tiện, đưa theo con gái để con hiểu thêm về hoạt động nhiều ý nghĩa này.

Ông Y Wem Hwing (Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar) nói: “Không dừng lại ở việc cho máu đơn thuần, chương trình Chủ nhật Đỏ còn thực sự là cầu nối của tình đoàn kết các dân tộc; đưa hình ảnh cán bộ, công nhân, viên chức, chiến sĩ công an, quân nhân… đến gần với dân hơn. Đặc biệt, chương trình như một ngày hội văn hóa các dân tộc”.

Chương trình Chủ nhật Đỏ tại huyện Cư M’gar diễn ra ngày 24/1, tiếp nhận được 817 đơn vị máu. Đây là điểm thứ 4 trong chuỗi 5 điểm Chủ nhật Đỏ tại Tây Nguyên. Điểm cuối sẽ được tổ chức tại huyện Ea Kar ngày 2/2.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.