"Sốt ruột lắm chứ. Thời điểm này đang mùa ăn nên làm ra trên biển mà tàu mình vẫn nằm bờ, đợi thêm thời gian nữa lại trúng mùa gió chướng ra khơi cũng phập phù với mưa bão” – Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, chủ tàu BĐ 99009, nói.
Mẫu lưới do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đặt hàng cho trường Đại học Thủy sản Nha Trang thiết kế. Sau khi UBND tỉnh duyệt thì ngân hàng mới giải ngân để làm. Với lưới mới này thì khai thác được cả ngày lẫn đêm. “Thường thì lưới phải làm trước hoặc đồng bộ khi con tàu được hoàn tất và bàn giao. Đằng này tàu hoàn thiện hết rồi vẫn không thể ra khơi vì mẫu lưới” – ông Hằng phân trần.
Hiện, mọi thủ tục để tàu ra khơi đã hoàn tất, nhân công cũng đầy đủ, sẵn sàng nhưng vì chưa thể vươn khơi nên đang tranh thủ “nhảy” tàu khác làm thêm kiếm thu nhập.
Cả tháng nay kể từ sau khi nhận bàn giao con tàu Hải Cảng 1 số hiệu BĐ 99009, ông Hằng vẫn chật vật kiếm chỗ đậu tàu. Trước làm việc với Hải đoàn 48 họ cho thuê đậu tạm, đóng phí hằng ngày nhưng vì có tàu cảnh sát biển vào nên phải tạm di chuyển đậu tại khu vực cảng cá Quy Nhơn. Nhưng giờ họ cũng không cho đậu phần vì gây vướng cho các đò của Hải Minh vẫn qua lại lâu nay, phần vì sợ các tàu lớn khác của ngư dân cũng kéo về đậu. Vừa rồi họ mời qua làm việc nói phải dời tàu đi chỗ khác nhưng đang cố năn nỉ họ cho đậu vài ngày nữa chờ chỗ dưới Hải Đoàn có chỗ thì xuống.
Ngư dân Nguyễn Việt Hằng sốt ruột từng ngày trông chờ được duyệt mẫu lưới để đưa tàu vươn khơi
Tàu BĐ 99009 được đóng theo mẫu tàu đánh cá lưới vây, công suất 880 CV, tốc độ 12 hải lý/giờ,hoạt động với cấp sóng 8B, thời gian hoạt động 30 ngày liên tục. Đồng thời được trang bị hệ thống lái thủy lực đầy đủ hệ thống nghi khí hàng hải cứu sinh, cứu hỏa và hầm bảo quản hiện đại.
Ông Hằng nhẩm tính, con tàu trị giá 18 tỷ đồng (đã tính VAT), trong thời hạn 11 năm (1 năm ân hạn) thì trung bình mỗi quý ông phải trả cả gốc lẫn lãi 425 triệu đồng. “Cũng tính toán cả rồi nên mới dám làm. Cũng quyết tâm và hy vọng lắm. Đóng tàu lớn vừa tăng thu nhập, lại vững vàng vươn khơi bám biển. Cũng tính ra khơi được tranh thủ thời gian còn được ân hạn chứ sang năm bắt đầu phải trả lãi vốn cho ngân hàng rồi” – ngư dân Nguyễn Việt Hằng chia sẻ.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, khi triển khai Nghị định 67, Bộ NN&PTNT có quy định khi ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép và mua lưới cụ thì phải có mẫu ngư lưới cụ được phê duyệt. Tuy nhiên Bộ lại không quy định rõ đơn vị nào được phê duyệt nên phải làm báo cáo gửi Bộ. “Hiện, đã có mẫu lưới cho tàu vỏ thép do ĐH Thủy sản Nha Trang thiết kế và ngành chức năng trong tỉnh đã thẩm định xong nhưng vẫn phải chờ ý kiến ngoài Bộ. Nếu Bộ đồng ý để Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về mẫu lưới thì chúng tôi sẽ phê duyệt ngay để ngân hàng giải ngân, ngư dân nhanh chóng được vươn khơi” – ông Hổ nói.
54 hồ sơ được vay vốn theo Nghị định 67
Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đã phê duyệt danh sách 54 hồ sơ được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67. Trong đó, đóng mới 38 tàu cá, 10 tàu dịch vụ và nâng cấp 6 tàu cá. Các ngân hàng đã nhận hồ sơ của 27/54 chủ tàu, ký 7 hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá với số tiền gần 70 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 8 tỷ đồng.
Trường Ca