Tàu Titanic sẽ bị 'ăn sạch' trong 15 năm tới

Xác tàu Titanic chụp vào tháng 8/2010. Ảnh: AP.
Xác tàu Titanic chụp vào tháng 8/2010. Ảnh: AP.
Một loài vi khuẩn ăn gỉ sắt đang từ từ tiêu hóa 50.000 tấn sắt từ xác tàu Titanic dưới đáy Thái Bình Dương.

Loài vi khuẩn tên Halomonas titanicae sẽ khiến xác tàu Titanic phân hủy hoàn toàn, theo tiến sĩ Henrietta Mann và Bhavleen Kaur ở Đại học Dalhousie, Halifax, tỉnh Nova Scotia, Canada.

Trong nghiên cứu công bố năm 2011 trên tạp chí quốc tế Systematic and Evolutionary Microbiology, nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ ADN để xác định vi khuẩn tìm thấy trong những cục sắt gỉ trên tàu Titanic năm 1991, theo News.com.au. Họ cho rằng phần xác tàu bị gãy thành hai phần sẽ chỉ còn là một vệt sắt gỉ khổng lồ dưới đáy biển trong vòng 15 năm nữa.

Tiến sĩ Mann và đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu nhóm vi khuẩn năm 1995, sau khi công nghệ ADN được phát triển và ứng dụng rộng rãi. Nhũ rusticle, kết cấu giống cột băng xốp màu cam sậm hình thành trên lớp vỏ sắt han gỉ bao phủ mũi tàu Titanic là nơi trú ngụ của nhiều quần thể vi khuẩn. Sau khi xác định 27 chủng vi khuẩn, các nhà nghiên cứu tách riêng Halomonas titanicae và nhận thấy loài này phân hủy nhũ rusticle thành dạng bột mịn trong nước biển.

"Nhũ rusticle trên tàu Titanic tạo thành từ tổ hợp nhiều vi khuẩn khác nhau, trong đó chúng tôi tìm thấy một loại đặc biệt thích ăn sắt, giúp phân hủy xác tàu", tiến sĩ Mann nói.

Tàu Titanic chìm ở độ sâu 3.800 m bên dưới mặt nước bắc Đại Tây Dương sau khi đâm vào một tảng băng trôi năm 1912. Tuy nhiên, mãi đến năm 1985 xác tàu mới được phát hiện. Việc bảo quản xác tàu được cho là bất khả thi do vị trí quá sâu.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG