Trước khi trở về Mỹ và được tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đại hơn thay thế đồn trú tại châu Á-Thái Bình Dương, USS George Washington sẽ rời cảng Yokosuka để tập trận trong khu vực. Tuy nhiên, đô đốc hải quân Mỹ John Alexander lấp lửng về việc cuộc tập trận có diễn ra ở biển Đông hay không, Theo đô đốc Alexander, tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc đã tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của tàu sân bay tại khu vực tây Thái Bình Dương.
USS Ronald Reagan sẽ đóng vai trò kỳ hạm mới của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, còn USS George Washington sẽ trở về bang Virginia để đại tu và nạp lại năng lượng cho hai lò phản ứng hạt nhân.
Gót chân Asin
Trang tin Mỹ Business Insider dẫn nguồn Lầu Năm Góc phân tích, hy vọng độc lập năng lượng của Trung Quốc đã nhanh chóng bị dập tắt do sự tăng trưởng dân số và kinh tế. Trung Quốc đã “xây dựng hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng ở hơn 50 quốc gia”, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm 2015. Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng 60% lượng dầu mỏ và 32% khí đốt tự nhiên năm 2014. Dầu và khí đốt nhập khẩu là một vấn đề sống còn đối với Trung Quốc, nên họ cần một chiến lược quân sự để bảo vệ huyết mạch năng lượng quan trọng bậc nhất này, Business Insider nhận định.
Trung Quốc nhập khẩu ít nhất 51% lượng dầu từ Trung Đông. Khoảng 43% lượng dầu phải đi qua eo biển Hormuz, trong khi 82% lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu qua đường hàng hải phải đi qua eo biển Malacca. Cả hai tuyến vận tải huyết mạch này đều dễ trở thành điểm xung đột tiềm năng. Eo biển Malacca đã trở thành một điểm nóng toàn cầu.
Với 82% lượng dầu nhập khẩu bằng đường hàng hải và 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu theo đường biển của họ đi qua đây, Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển các tuyến đường biển thay thế đáng tin cậy hơn để nhập khẩu năng lượng. Đây thực sự là một nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc liên quan eo biển Malacca, động lực thúc đẩy nước này có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Ngoài ra, theo Lầu Năm Góc, để giảm sự phụ thuộc các tuyến đường biển huyết mạch dễ tổn thương, Trung Quốc đang xây dựng một số tuyến đường ống mới.
Việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược quân sự nhằm xây dựng “Chuỗi ngọc trai” bao gồm các cảng và căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương, nỗ lực để thiết lập sự hiện diện quân sự tại vùng biển tranh chấp giàu tài nguyên khoáng sản ở biển Đông đều nhằm giữ vững an ninh cho nguồn cung cấp dầu thô và khí đốt tự nhiên trong tương lai.
Theo Business Insider, nhiệm vụ đầy tham vọng của hải quân Trung Quốc (bao gồm xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông và đóng thêm tàu sân bay mới) nhằm triển khai lực lượng vũ trang của Bắc Kinh trên các tuyến vận tải biển quan trọng bậc nhất đối với ngành thương mại và năng lượng của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc vạch rõ chiến lược phức tạp, khó khăn của Trung Quốc trong việc bảo vệ nguồn cung năng lượng - gót chân Asin cho sự sống còn của Bắc Kinh. Đây có thể cũng là động lực chủ chốt lý giải những hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Theo trang tin Đa Chiều của Hoa kiều, ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á-Thái Bình Dương (cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam), cho biết, Lầu Năm Góc sẽ nâng cấp quan hệ đồng minh với Nhật và Úc, cũng như tăng cường triển khai quân sự tại biển Đông nhằm ngăn Trung Quốc gây bất ổn khu vực. Theo ông Shear, sự hiện diện của Mỹ không chỉ củng cố chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực, mà còn ngăn chặn hành vi khiêu khích và giảm thiểu nguy cơ tính toán nhầm. Các chuyên gia an ninh đang theo dõi sát sao Nhật Bản sau khi nước này có kế hoạch điều máy bay trinh sát và tàu hải quân tới biển Đông để hỗ trợ Mỹ tuần tra tại vùng biển này.