Trung Quốc hơn hai thập kỷ qua đạt được hàng loạt bước tiến lớn về quân sự, quốc phòng. Tuy nhiên, năng lực phát triển tàu ngầm hạt nhân của nước này vẫn không có nhiều đột phá, theo National Interest. Vấn đề mà Bắc Kinh gặp phải là họ còn thiếu các công nghệ phù hợp về động cơ cũng như khả năng giảm tiếng ồn cho tàu ngầm. Trở ngại trên khiến Trung Quốc chưa thể cho ra lò những chiếc tàu ngầm đủ sức cạnh tranh với Nga hay Mỹ.
Thậm chí tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin mới nhất của Bắc Kinh cùng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang cải tiến cũng bị nhận xét là hoạt động ồn hơn cả tàu ngầm lớp Victor III sản xuất từ thập niên 70 của Nga hay tàu ngầm lớp Delta III của Mỹ, theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ.
Ngay cả lớp tàu ngầm tương lai Type-95 cũng bị đánh giá là ồn hơn các tàu ngầm lớp Schuka-B thuộc Dự án 971 của Liên Xô trước đây. Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type-96 hay tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel cũng lâm vào tình cảnh tương tự, quan sát viên Dave Majumdar nhận xét.
Vị trí "chuỗi đảo thứ nhất" và "chuỗi đảo thứ hai". Đồ họa: BBC.
Chuẩn đô đốc Sumihiko Kawamura, nguyên chỉ huy đơn vị chống ngầm thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, cũng từng nêu ý kiến rằng tàu ngầm Trung Quốc khó lòng thoát khỏi các hệ thống phát hiện dưới đáy biển, nhất là khi đi qua "chuỗi đảo thứ nhất" để tiến ra Thái Bình Dương.
"Tàu ngầm Trung Quốc khi hoạt động cứ như là đang khua chiêng gõ trống vậy", ông Kawamura nói.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc lại tụt hậu trên phương diện phát triển tàu ngầm hạt nhân trong khi các lĩnh vực liên quan đến khoa học, kỹ thuật quân sự khác vẫn tiến bộ vượt bậc.
Jerry Hendrix, cựu chỉ huy hải quân, chủ nhiệm Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, cho rằng vấn đề trên xuất phát từ thực tế công nghệ giảm tiếng ồn luôn là một trong những lĩnh vực tuyệt mật, rất ít khi được tiết lộ ra ngoài. Nhưng hơn cả, kỹ thuật chế tạo hàng hải của Trung Quốc chưa thể đáp ứng các quy trình sản xuất tàu ngầm tân tiến.
Theo Bryan McGrath, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sức mạnh Hải quân thuộc Viện Hudson, kiêm giám đốc điều hành nhóm tư vấn hải quân The FerryBridge Group, sự chậm tiến của công nghệ tàu ngầm Trung Quốc bắt nguồn từ hai nguyên nhân.
Trước đây khoảng 20 năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề đặt việc thiết kế và chế tạo tàu ngầm làm ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, đây là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Mới chỉ hai thập kỷ trôi qua kể từ khi Bắc Kinh quyết định tập trung cho tàu ngầm hạt nhân. Khoảng thời gian này quá ngắn, không thể đủ cho Trung Quốc hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để cho ra những sản phẩm tàu ngầm hạt nhân hiện đại tương tự Mỹ hay Nga.
"Quá trình này tốn nhiều thời gian, công sức và đôi khi còn cần cả một chương trình gián điệp công nghiệp tinh vi mới có thể đạt được", ông McGrath nói.
Bryan Clark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, thì nhận định tàu ngầm hạt nhân đến nay vẫn chưa phải là trọng tâm phát triển của Trung Quốc. Lý do là những ưu điểm của tàu ngầm động cơ diesel hay động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP), như khả năng hoạt động lâu dài, tốc độ cao, công suất lớn, không quá quan trọng đối với những nhiệm vụ mà Bắc Kinh thường thực hiện, ví dụ bảo vệ bờ biển chống lại tàu mặt nước hoặc tuần tra.
Tàu ngầm Trung Quốc neo tại căn cứ hải quân Ngong Shuen Chau của Hong Kong. Ảnh: AFP.
"Tàu ngầm diesel của Trung Quốc không được hiện đại như các đối thủ châu Âu nhưng chúng đang thực hiện tốt vai trò của mình", Clark bình luận. Tàu ngầm lớp Kilo của Bắc Kinh có thể mang theo tên lửa hành trình diệt hạm SS-N-27 vô cùng nguy hiểm. Tàu ngầm AIP mới nhất của họ được cho là sở hữu những hệ thống chiến đấu hiện đại, có khả năng trang bị tên lửa, ngư lôi và thủy lôi, ông cho biết thêm.
Đối với Andrew Erickson, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ, hạn chế về động cơ chính là nhược điểm chết người của tàu ngầm Trung Quốc.
"Những tàu ngầm có khả năng hoạt động toàn diện trong các vùng nước sâu phải chạy bằng năng lượng hạt nhân, tiết kiệm nhiên liệu và không ồn ào", Erickson cho hay. "Trung Quốc hiện gặp nhiều thách thức trên phương diện này cũng như ở một số lĩnh vực khác. Họ không thể chỉ đơn giản dựa vào nền công nghiệp hạt nhân dân dụng đang bùng nổ của mình bởi yêu cầu công nghệ và kỹ thuật rất khác nhau", ông nhấn mạnh.