Vào một chiều cuối tháng 7 vừa qua, khi đoàn tàu hỏa SE11 lưu thông hướng Huế - Đà Nẵng vừa rời ga Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, TT-Huế), thì đột nhiên phanh gấp, dừng lại.
Hành khách mở cửa xuống tàu đã chứng kiến hai toa xe kế tiếp nhau bị trật bánh khỏi đường ray, nghiêng hẳn về một bên.
Đoàn tàu SE11 bị trật bánh 2 toa liên tiếp khi vừa rời ga Lăng Cô vào cuối tháng 7/2024. |
Hai toa xe bị trật bánh mang số hiệu 11725, 31591 nằm vị trí thứ 10, 11 trong đoàn tàu. Trong đó, toa 11725 bị trật bánh 4 trục và nghiêng 45 độ phía bên trái theo hướng tàu chạy, còn toa 31591 cũng bị trật bánh 4 trục.
Ngay sau sự cố, lực lượng chức năng phát lệnh phong tỏa khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng cứu. Nhiều nhân viên trên tàu hỗ trợ hành khách chuyển đồ đạc, hành lý, vật dụng, hàng hóa ra ngoài. Sự cố này đã khiến nhiều hành khách đi trên tàu lo sợ.
Rất may, thời điểm đoàn tàu SE11 vừa rời ga Lăng Cô và bị trật bánh khỏi ray, phương tiện di chuyển với tốc độ chậm, nên không gây hậu quả nghiêm trọng.
Đoàn tàu SE2 di chuyển theo hướng Đà Nẵng - Huế bị trật bánh tại đoạn đường sắt qua xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, TT-Huế. |
Tiếp đó, vào các ngày 7 và 31/8, tại đoạn đường sắt qua huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế, lại tiếp tục xảy ra sự cố tàu hỏa trật bánh. Trong đó có thêm một vụ xảy ra ở địa bàn thị trấn Lăng Cô.
Những sự cố tàu hỏa trật bánh liên tiếp này đã làm dấy lên nghi ngờ, rằng "do động đất tại Kon Tum" trước đó đã làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường sắt! Tuy nhiên, nghi vấn này đã bị đơn vị quản lý đoạn đường sắt Quảng Trị - Huế là Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên bác bỏ.
Trao đổi với PV Tiền Phong sau những sự cố tàu hỏa trật bánh liên tiếp tại TT-Huế, ông Nguyễn Bá Phúc, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết: “Sự cố tàu trật bánh do nhiều nguyên nhân. Có thể do chất lượng hạ tầng cầu đường, hoặc do phương tiện, hoặc người điều khiển…”.
Ông Phúc cho rằng, hạ tầng cầu đường trên tuyến do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, ngoại trừ một vài vị trí cần lưu ý do kết cấu công trình bằng liệu cũ chưa được thay thế, như đoạn qua hầm số 6, đoạn đường sắt tại thị trấn Lăng Cô - nơi từng xảy ra sự cố tàu SE11 và SE2 bị trật bánh vào cuối tháng 7 và cuối tháng 8 vừa qua.
Ngay sau các sự cố, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, tiến hành phân tích, đánh giá nguyên nhân.
Đoàn tàu SE2 vừa gặp sự cố trật bánh hôm 31/8, cũng tại địa bàn thị trấn Lăng Cô. |
Theo ông Lê Hồng Hải - Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, đến nay, nguyên nhân các vụ tàu hỏa trật bánh tại thị trấn Lăng Cô bước đầu đã được xác định.
Tàu trật bánh là do toa xe có lò xo không khí, khi đi qua ghi có tang lớn (Tg 0,15) tạo cộng hưởng nhiều yếu tố bất lợi (toa xe có cự ly trục bánh xe lớn), vào thời điểm đoàn tàu chạy qua ghi ở tốc độ thấp, thời gian lực dẫn hướng tăng kéo dài dẫn đến bánh xe bám má tác dụng leo ray gây trật bánh.
Ông Lê Hồng Hải cho rằng, để đảm bảo an toàn chạy tàu trong thời gian tới khi di chuyển qua vị trí từng xảy ra sự cố kể trên, đơn vị đã kiến nghị cấp trên không tác nghiệp chạy tàu, dồn dịch các đoàn tàu khách có toa xe lò xo không khí (với cự ly trục bánh xe lớn) qua hướng rẽ của ghi Tg 0,15 (cụ thể là vị trí ghi N10 ga Lăng Cô).
Bên cạnh đó cần bố trí thêm nguồn kinh phí để sửa chữa, thay thế các bộ ghi Tg 0,15; cải thiện hệ thống hạ tầng đường sắt trên đoạn tuyến do đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và an toàn chạy tàu.