Dịp này, người dân trồng hoa ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) “ăn, ngủ cùng hoa”, từ sáng sớm đến đêm khuya để chăm sóc, thắp đèn kích thích cây phát triển.
Ông Lê Đăng Hưng, phường Đông Cương cho biết, gia đình ông trồng 2.500m2 hoa cúc. Đây là loại hoa được trồng nhiều nhất ở địa phương. Ngoài ra, còn có nhiều loại hoa khác để phục vụ thị trường quanh năm. Vào vụ Tết, hoa hồng, hoa lay ơn, đồng tiền… được tập trung gieo cấy trên diện tích lớn bởi nhu cầu của người mua cao.
Người dân Thanh Hóa đang dồn sức chăm sóc hoa, cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán sắp tới. |
Theo những người trồng hoa ở Đông Cương, việc trồng, chăm sóc hoa đòi hỏi người trồng phải sát sao chăm bón từ khi xuống giống đến lúc trổ nụ, ra hoa. Đặc biệt, người trồng phải có đủ kinh nghiệm và kỹ thuật để cho hoa nở đúng thời điểm. Ban ngày, người trồng thường xuyên túc trực để tỉa cành, tưới nước và chăm sóc từng chiếc nụ, cánh hoa. Ban đêm, các gia đình cùng nhau thắp đèn khắp toàn bộ diện tích trồng hoa để giúp cây phát triển cao lớn, chắc khỏe và cho bông to, tươi sắc.
Ngoài phường Đông Cương, nhiều nơi khác ở Thanh Hóa như huyện Yên Định, huyện Vĩnh Lộc, huyện Đông Sơn, huyện Thiệu Hóa, huyện Triệu Sơn..., nông dân cũng đang tất bật chăm lo cho hoa, cây cảnh, rau xanh…
Ông Hà Xuân Tâm, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn), cho biết: “Toàn xã có 150 ha đất trồng cây cảnh, cây ăn quả (đào, quất, bưởi...), với 750 hộ dân chuyên trồng để kinh doanh. Đây là cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trong xã nên ngày càng được mở rộng về diện tích và tăng số hộ trồng chuyên nghiệp tại địa phương. Thời điểm này đang là lúc tất cả các nhà vườn dồn sức chăm sóc từng cây để thu được hiệu quả kinh tế cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điều lo lắng của nhiều người dân hiện nay là tình hình COVID-19 có thể ảnh hưởng nhiều đến sức mua, gây khó khăn cho nhà vườn..