Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 5 |
Trao đổi với Tiền Phong về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cựu lãnh đạo, chuyên gia cho rằng, việc thành lập là cần thiết, nhằm tạo sự đồng bộ từ Trung ương xuống cơ sở. Việc thành lập này cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư: Chống tham nhũng mạnh mẽ từ cơ sở
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết. Bởi đây là cuộc đấu tranh lâu dài để loại trừ những thói hư tật xấu nên phải bắt đầu từ cơ sở, phải dựa vào dân. Hơn ai hết, nhân dân là người nắm rõ những vấn đề ở cơ sở, nếu cơ sở mà làm hết vai trò, trách nhiệm thì mọi việc không đẩy lên Trung ương nữa.
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Nhiều cán bộ đã bị xử lý, trong đó có cả những người đang là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Vậy Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì có vấn đề gì không? Nếu vi phạm thì họ có tự chống mình không? Những lo ngại đó là không đúng. Khi Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì tự bản thân sẽ phải tự soi, tự sửa để xứng đáng với các chức danh đó. Nếu anh vi phạm hoặc bao che cho vi phạm thì sẽ bị Trung ương phát hiện và xử lý.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là công tác lựa chọn cán bộ làm sao phải chặt chẽ, loại bỏ những người nhụt chí, chần chừ, thiếu quyết liệt. Nếu lựa chọn đúng cán bộ thì Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ phát huy hiệu quả như những gì mà cấp Trung ương đã làm được.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Nên trực thuộc Ban chỉ đạo cấp Trung ương
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc PCTN, lãng phí, tiêu cực đang vào thời kỳ rất quyết liệt, nên theo tôi, việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh vào thời điểm này hoàn toàn phù hợp, kịp thời, được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương sẽ có chuyển biến, mang lại hiệu quả cao và có lẽ Trung ương cũng đã thấy rõ được điều này.
Về tổ chức, biên chế, theo quan điểm cá nhân tôi, các thành viên trong Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh có thể là kiêm nhiệm, bao gồm đại diện lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy, các sở, ban ngành khác như mô hình của Ban Chỉ đạo ở Trung ương hiện nay.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thành phần Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vẫn cần phải có đội ngũ chuyên trách. Qua đó sẽ thực hiện công việc tốt hơn, hiệu quả hơn theo đúng chức trách, nhiệm vụ và quy chế làm việc mà Trung ương ban hành.
Việc có đội ngũ làm chuyên trách tại Ban Chỉ đạo cấp tỉnh như vậy sẽ hoạt động độc lập và có thẩm quyền tham gia, thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tỉnh.
Mặc dù là Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh, nhưng theo tôi, Ban Chỉ đạo này nên trực thuộc Trung ương, chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Điều này là hết sức cần thiết, bởi thực tế thời gian qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có đội ngũ là cán bộ lãnh đạo cấp cao trong tỉnh. Khi trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh có thể giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực của cả những người đứng đầu cấp tỉnh đó.
Như vậy, hoạt động của cơ quan này sẽ độc lập, khách quan và hiệu quả hơn trong PCTN, tiêu cực tại chính địa phương đó. Còn nếu các thành viên chỉ đơn thuần là đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh kiêm nhiệm, lại trực thuộc tỉnh, thì ít nhiều sẽ bị tác động.
Chẳng hạn như cơ quan thanh tra ở địa phương, muốn thanh tra chỗ này, chỗ kia lại phải thông qua chủ tịch tỉnh. Nếu phát hiện lãnh đạo địa phương vi phạm, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, cơ quan này có xử lý công tâm, khách quan được không? Có bị ràng buộc, chi phối không? Không ít vụ việc ở địa phương, nếu không có cấp trên tham gia, vào cuộc thì rất khó phát hiện, xử lý.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên: Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”
Việc tái lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu chỉ có Ban chỉ đạo ở Trung ương thì việc giải quyết vấn đề này ở địa phương sẽ bị hạn chế.
Hiện nay, không chỉ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.
Quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo ở Trung ương trong 10 năm qua có thể rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm hay, có những kinh nghiệm có thể khái quát lại thành lý luận phòng chống tham nhũng và có thể tạo ra một phong trào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở; chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Việc thành lập này chỉ tốt hơn chứ không xấu đi, vì không tăng biên chế.
Khi có tổ chức, bộ máy, phát huy trí tuệ tập thể để bàn thảo thì chân lý sẽ sớm được sáng tỏ, việc xử lý các vấn đề, vụ việc ở địa phương được sâu sát, nắm bắt tình hình tốt hơn.