Cử tri Hà Nội kiến nghị lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhận định số vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi hơn, cử tri Phan Phúc Long (Tây Hồ, Hà Nội) kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc các tỉnh, thành ủy.

Ngày 4/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đơn vị bầu cử số 5 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tiếp xúc cử tri quận Bắc Từ Liêm, quận Tây Hồ và huyện Hoài Đức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, cử tri Phan Phúc Long (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cho biết, cử tri đánh giá rất cao những kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao hoạt động liên tục, không biết mệt mỏi của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Cử tri Hà Nội kiến nghị lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh ảnh 1

ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến và trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: PV

Theo ông Long, số vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn, vì thế, cần thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc các tỉnh, thành ủy.

Ông Long kiến nghị, T.Ư cần ban hành quy chế, quy định phân quyền, phân cấp, kiểm tra, điều tra và xử lý, đặc biệt là công tác nhân sự, tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ trong tiểu ban và người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn đến ban hành, bổ sung cơ chế bảo vệ người đấu tranh, tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi trù dập, trả thù, bịa đặt, vu khống.

Ông Long cho rằng, nếu mô hình này thành công, cần tiếp tục phân quyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sâu hơn, tới cấp quận, huyện.

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Vinh (quận Tây Hồ) đề nghị quan tâm cơ chế, chính sách đãi ngộ đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Cử tri Đỗ Thị Kim Chi (quận Bắc Từ Liêm) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp giải quyết tình trạng trẻ em bị bạo hành và gặp áp lực trong học tập, trong đó cần gắn trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội…

Bà Chi cũng nêu ý kiến về chính sách tiền lương chưa phù hợp với người lao động. Đây có thể là nguyên nhân khiến người rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng. Do đó, Chính phủ quan tâm hơn đến chính sách tiền lương, đảm bảo cuộc sống người lao động đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.

Cử tri Trần Đình Ngọc (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) cho rằng dù đã nhiều lần cải cách giáo dục nhưng chương trình sách giáo khoa lớp 1 hiện nay đang quá nặng. Tại địa phương ông, một học sinh lớp 1 có tới 17 đầu sách. Do đó, Chính phủ xem xét giao Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi chương trình giảm tải lớp 1; đồng thời đề nghị xây dựng khu đô thị phải có khu vui chơi, trường học đi kèm vì hiện trẻ em tại khu đô thị ngoài áp lực về chương trình học thì các em cũng không có khu vui chơi, trường học đúng nghĩa.

Cử tri Đỗ Đức Bảo, Bí thư huyện Đoàn Hoài Đức nhìn nhận thực tế hiện nay về vấn đề việc làm cho thanh niên nhất là trong thời đại 4.0, qua đó nêu ý kiến hướng nghiệp việc làm cho thanh niên đặc biệt là thanh niên vùng nông thôn và kết nối người sử dụng lao động với người lao động.

Xuất phát từ thực tiễn của công tác thanh niên, cử tri Đỗ Đức Bảo kiến nghị sửa đổi Luật Thanh niên, nâng tuổi thanh niên và có chính sách phù hợp với Hội Liên hiệp thanh niên cả về tổ chức, cán bộ tham gia…

MỚI - NÓNG