Tạo nguồn lao động xuất khẩu: Mê hồn trận

Tạo nguồn lao động xuất khẩu: Mê hồn trận
TP - Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH) đã triệu tập khẩn cấp các doanh nghiệp với hy vọng tìm được lời giải trong thời gian tới khi mà doanh nghiệp cạnh tranh nhau không lành mạnh bằng các đơn hàng ảo đưa người lao động vào mê hồn trận.

China State - Tập đoàn xây dựng lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc với nhiều công trình đầu tư lớn tại Trung Đông, đặc biệt là tại Dubai, vừa ký với Cty Airseco nhận 5.000 lao động Việt Nam (LĐVN).

Cty Airseco xây dựng chương trình hỗ trợ người lao động (NLĐ) các chi phí ban đầu song gần tới ngày đối tác sang tuyển, Airseco chưa tìm được đủ người. Không chỉ Trung Đông - mà thị trường Đài Loan, Nhật Bản trong tạo nguồn cũng gặp khó.

Bốn tháng đầu năm, thị trường Đài Loan đứng số một với gần 26 ngàn lao động được đưa sang làm việc, thấp nhất là Malaysia (khoảng 1.000). Lãnh đạo Cty Emico - đơn vị nhiều năm có số lượng lớn nhất trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan cũng cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay, hầu như không tuyển được lao động phía Bắc mà chỉ trông đợi nguồn lao động từ miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng rất vất vả Cty Sona mới tuyển đủ 500 lao động đi làm việc tại Lybie. Thế nhưng khi kiểm tra việc tạo nguồn tại Nghệ An, Thanh Hóa thì phát hiện nhiều lao động bỏ không đi nữa mặc dù thủ tục hồ sơ và visa đã hoàn tất. Lý do, lãnh đạo Sona đưa ra là NLĐ muốn đi nước khác có thu nhập cao hơn theo thông báo của một Cty XKLĐ khác. 

Đại diện Emico và Sona cho rằng, hiện, mỗi địa phương có một chính sách cho vay vốn nên doanh nghiệp rất khó tuyển lao động. Có nơi cho vay 80 triệu đồng; có nơi lại chỉ tối đa 30 triệu đồng; nơi khác lại cho vay dưới 30 triệu đồng.

Giữa mê hồn trận

Tạo nguồn lao động xuất khẩu: Mê hồn trận ảnh 1

Thông báo tuyển lao động của Tổng Cty Xây dựng Thăng Long / Ảnh: Phong Cầm

Trong khi công tác tạo nguồn gặp khó, nhiều doanh nghiệp đã có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tốt nhằm kích cầu thì xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp đưa ra đơn hàng ảo giành giật lao động. Một số doanh nghiệp thậm chí thông báo tuyển ồ ạt, tuyển cả những thị trường chưa được Bộ LĐ-TB&XH cho phép.

Có mặt tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đầu tháng 5/2009, chúng tôi chứng kiến hàng chục lao động của huyện này lên Hà Nội đăng ký theo học nghề để đi làm việc tại Trung Đông song lại bỏ về khi thấy có đơn hàng tuyển lao động đi Nga của Tổng Cty xây dựng Thăng Long (tên giao dịch là ThangLongmex).

Theo thông báo của ThăngLongmex, đơn vị này tuyển tới 500 lao động đi làm việc tại Nga lương 500 USD (chưa tính tiền làm thêm giờ, ngày nghỉ, ngày lễ). Đáng nói là thị trường Nga thời gian gần đây nhiều lao động bị trả về nước trước hạn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

ThangLongmex còn rầm rộ đưa ra hàng loạt thông báo tuyển lao động đi Slovakia (lương 1.200USD/tháng); Trung Đông (lương 1.500 USD/tháng); Bungari lương hơn 500 USD/tháng. Cty này tuyển lao động nữ đi giúp việc gia đình tại Syria và CH Síp.

Qua kiểm tra tại Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, chúng tôi được biết ThăngLongmex chưa được Cục thẩm định đơn hàng đưa lao động đi các thị trường: Slovakia, Bungari, Syria, Sip.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, công tác XKLĐ sẽ ngày càng rối rắm, nếu Bộ LĐ - TB&XH không cương quyết dẹp bỏ tình trạng doanh nghiệp đá nhau trên sân nhà.

Ông Nguyễn Như Tuấn - Phó trưởng Phòng Thị trường cho biết, với đơn hàng đưa lao động đi Nga, Cục cũng mới chỉ thẩm định và cho phép ThăngLongmex thực hiện đơn hàng 85 lao động may công nghiệp.

Đơn hàng này ThăngLongmex xin phép thực hiện từ tháng 10/2008 (thời điểm Nga chưa gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu).

ThăngLongmex tuyển lao động xây dựng, công nhân nhà máy là chưa được sự đồng ý, chấp thuận của Cục. Mức lương mà  ThangLongmex đưa ra trong các thông báo tuyển cũng thiếu thực tế.

ThăngLongmex là ví dụ điển hình trong số nhiều Cty hiện đã và đang đưa ra các đơn hàng ảo với mục đích thu hút NLĐ đến đăng ký để thu tiền đào tạo, duy trì sự hoạt động của Cty.

Thực trạng này khiến NLĐ rơi vào mê hồn trận thật, giả. Thực tế đồng thau lẫn lộn này diễn ra trong thời gian dài, khiến nhiều doanh nghiệp XKLĐ có các đơn hàng tốt và chính sách ưu đãi… phải kêu trời.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.