Tăng trưởng tín dụng bất ngờ giảm trong tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tín dụng sau khi diễn biến tích cực trong những ngày cuối tháng 9 lại bất ngờ quay đầu sụt giảm trong tháng 10. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng bất ngờ giảm trong tháng 10 ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng tháng 10 sụt giảm.

Đáng nói, trước đó Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 6,92%, có sự hồi phục khá mạnh trong nửa cuối tháng 9.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tín dụng vẫn tăng chậm chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm).

Một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn. Việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.

Cơ quan điều hành cũng sẽ khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG