Tín dụng bất ngờ tăng trưởng âm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế 7 tháng năm nay tăng trưởng thấp hơn so với 6 tháng đầu năm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, tăng trưởng âm.

Tín dụng bất ngờ tăng trưởng âm ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng 7 tháng năm 2023 thấp

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực song do ảnh hưởng dồn tích từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn cũng giảm sút.

Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu minh bạch...

Ngoài ra, khả năng hấp thụ nhóm bất động sản cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Trong những tháng còn lại của năm, bà Giang cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra. Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

MỚI - NÓNG