Oanh chia sẻ trong một lần nhóm tổ chức chương trình văn nghệ tại bệnh viện, các bệnh nhân rất hào hứng tham gia nhưng khi mời lên hát thì ai cũng rụt rè, bởi trên đầu đã rụng hết tóc, phải quấn khăn. Sau lần ấy, một nữ sinh du học Nhật đã gửi nắm tóc vừa cắt xong tới nhóm, với hy vọng nhóm sẽ thiết kế lại thành một đầu tóc mới để tặng lại cho bệnh nhân.
“Nhóm đã mang số tóc trên tới các tiệm tóc thuê làm thành một đầu tóc mới, song chi phí mỗi đầu hơn một triệu đồng. Kinh phí cao như vậy không thể triển khai với số lượng lớn, vậy nên nhóm quyết định thay vì tặng tóc thật, sẽ tặng tóc giả cho từng bệnh nhân”, Oanh nói.
Cuối năm 2015, cả nhóm thay nhau đi “phỏng vấn” từng buồng bệnh, xem bệnh nhân nào có nhu cầu cần tóc giả, và thích kiểu tóc gì. Không ngờ “bắt trúng mạch” của các bệnh nhân nữ, ai cũng bày tỏ nỗi niềm khi đầu rụng hết tóc sau các đợt hóa trị, xạ trị.
Những ngày sau, nhóm mang lên hai bộ tóc giả, một ngắn một dài cho các chị, các cô đội thử, bệnh nhân thích kiểu gì thì “đặt hàng” kiểu ấy, ngoài ra có thể mô tả đầu tóc mà mình muốn để các bạn trẻ tìm mua. Số lượng đăng ký ngay lần đầu đã lên tới hàng chục người, nhóm phải ưu tiên những người bệnh nặng, nằm viện đã lâu.
Ban đầu nhóm bỏ tiền ra mua tóc giả, tuy nhiên nguồn quỹ có hạn nên phải kêu gọi thêm các tổ chức, mạnh thường quân khác, trong đó có tiệm tóc giả Hồng Ngân (282 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) thường xuyên hỗ trợ tóc cho nhóm. Đến nay, gần 30 mái tóc đã đến với các bệnh nhân ung thư.
Bà Phạm Thị Xuyến (55 tuổi, quê Quảng Ngãi), cảm động: “Trước đây đầu rụng hết tóc tui chẳng muốn gặp ai. Hôm các cháu đưa đầu tóc giả cho tui đội thử và nói sẽ tặng nếu tui thích, tui rất bất ngờ. Không ngờ các cháu lại quan tâm tới cả những mặc cảm ấy của bệnh nhân. Hai tháng nay có đầu tóc mới tui không còn tự ti nữa, vừa rồi ra viện tui đội đi Sài Gòn, bà con khen tui trẻ ra vài tuổi”.
Chị Nguyễn Thị Yến (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), kể: “Từ ngày có đầu tóc mới đi đâu tôi cũng đội, chỉ khi ngủ mới tháo ra thôi. Trước đây nhà có đám cưới, đám giỗ là tôi trốn, phần vì ngại, phần vì người ta cứ hỏi sao rụng hết tóc lại chạnh lòng. Phụ nữ không có tóc trên đầu tủi thân lắm chứ. Giờ mấy bạn trẻ tặng đầu tóc đen, dài, tôi vui và tự tin hơn nhiều”.
Kim Oanh nói thêm: “Đối với các bệnh nhân ung thư, có thêm niềm vui là có thêm động lực để họ tiếp tục sống và điều trị bệnh. Vì vậy không chỉ đầu tóc, nhóm sẽ cố gắng để đem thêm nhiều nguồn vui nữa cho các bệnh nhân”.
“Một bức tranh - Nhiều hy vọng” là nhóm bạn trẻ quy tụ phần lớn sinh viên trong các trường ĐH ở Đà Nẵng. Nhóm đã thực hiện rất nhiều hoạt động hữu ích với các bệnh nhân trong bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng như treo tranh trong buồng bệnh, hát cho bệnh nhân tôi nghe…