Tăng học phí trường công chất lượng cao: Không có chỗ cho học sinh nghèo

Tăng học phí trường công chất lượng cao: Không có chỗ cho học sinh nghèo
TP - Năm học tới, nhiều trường công chất lượng cao ở Hà Nội sẽ tăng học phí. Nhiều phụ huynh cho biết trường chất lượng cao công lập không phải là lựa chọn vì học phí cao gấp 30 - 50 lần trường công bình thường.

Nghị quyết vừa qua của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2020-2021 ở bậc tiểu học là 5,5 triệu đồng/tháng, bậc THPT là 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng so với năm 2019 - 2020.

Hiện Hà Nội có 14 trường  công lập chất lượng cao. Trong đó có 2 trường có mức học phí bằng 100% mức trần là trường Tiểu học đô thị Sài Đồng và trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa; 12 trường còn lại có mức thu từ 40% đến 98% mức trần.

Với mức học phí này, trường chất lượng cao công lập của Hà Nội tương đương với các trường ngoài công lập.

Trước sự điều chỉnh này, nhiều phụ huynh cho biết trường chất lượng cao công lập không phải là lựa chọn vì học phí cao gấp 30 - 50 lần trường công bình thường. Trong khi đó, sĩ số lớp của nhiều trường chất lượng cao hiện vẫn cao hơn quy định của UBND TP Hà Nội. Trong khi đối với bậc THCS, thành phố quy định sĩ số tối đa là 35 học sinh/lớp thì nhiều trường chất lượng cao có lớp sĩ số  là 40 học sinh.

Những tranh cãi về mô hình trường công lập chất lượng cao vẫn chưa ngã ngũ. Hà Nội đang thực hiện mô hình theo Luật Thủ đô. Theo quy định của thành phố, chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập.

Tuy  nhiên, Trưởng phòng giáo dục một quận nội thành của Hà Nội thừa nhận, tất cả các trường tiểu học, THCS công lập trên địa bàn các quận nội thành của Hà Nội đều có sĩ số học sinh vượt điều lệ quy định Bộ GD&ĐT (theo quy định của Bộ, sĩ số tiểu học là 35 học sinh/lớp, THCS là 45 học sinh/lớp). Muốn giảm sĩ số cần thời gian vì tốc độ tăng dân số cơ học nhanh.

Trong khi đó, Luật Giáo dục  sửa đổi vừa qua không đưa quy định về cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Theo lý giải của ban soạn thảo, đối với giáo dục chất lượng cao, nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài. Đồng ý với quan điểm này, một nhà giáo của Hà Nội cho rằng, trường công lập có 3 nhiệm vụ chính: nâng cao  dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, nâng cao dân trí chính là đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, phổ cập giáo dục. Đây còn là nhiệm vụ chính trị của ngành giáo dục.

MỚI - NÓNG