Sẽ tăng ĐB chuyên trách lên 50%
Thưa bà, để Quốc hội hoạt động có hiệu quả, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND đang sửa đổi cần tập trung vào những vấn đề gì?
Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND sửa đổi cần có những quy định nhằm nâng cao chất lượng ĐB dân cử.
Phải gắn đổi mới hoạt động Quốc hội với nâng cao chất lượng ĐB. Cụ thể, dự thảo cần quy định tạo điều kiện để ĐB tiếp xúc cử tri thường xuyên hơn. Việc tiếp xúc cử tri cần mở rộng, chứ không bó hẹp ở nơi ứng cử. ĐB phải gắn bó, gần gũi với cử tri thì mới có thể lắng nghe được tiếng nói tâm huyết của cử tri.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với ĐB khối cơ quan Trung ương. Tiếp xúc cử tri rất quan trọng. Nếu chỉ nghe cơ quan soạn thảo trình chính sách, dự án luật có thể thấy rất hợp lý, nhưng có khi lại vênh thực tế. Phải đi vào cuộc sống, mới thấy người dân đang cần gì, cái gì thiết thực với họ. Chính vì vậy, ĐB phải tăng cường hoạt động ở cơ sở, phải gắn với cơ sở.
Để tăng cường chất lượng của Quốc hội, luật cần quy định nâng cao điều kiện làm việc cho ĐB, tăng số lượng ĐB chuyên trách, có thể lên 35% ở khóa tới. ĐB chuyên trách phải là người dành 100% thời gian làm việc cho hoạt động Quốc hội, từ thẩm định luật cho đến giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng.
Hiện nay, ĐBQH chuyên trách chiếm tỷ lệ chưa cao trong Quốc hội, cần nâng tỷ lệ lên bao nhiêu là phù hợp?
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải
Hiện nay, số lượng ĐB chuyên trách còn hạn chế, mới ở mức khoảng 30%. Lần này sửa đổi luật, chúng ta sẽ luật hóa số lượng ĐB chuyên trách.
Số lượng ĐB chuyên trách là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của hoạt động QH, chúng ta phấn đấu nâng tỷ lệ này lên tới 50%, mới có thể đáp ứng được mong mỏi của cử tri đối với QH.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ nâng dần lên qua các nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ tới, cố gắng nâng lên 35%, rồi 40, 45% và tối đa là 50%. Ở các nước tỷ lệ ĐB chuyên trách rất cao. Chúng ta tổ chức QH theo cơ cấu, có đủ các thành phần khác nhau, cho nên tăng chuyên trách lên 50% là hợp lý. Nhưng chắc chắn cần nhiều thời gian mới có thể tăng đủ tỷ lệ này.
Như bà nói, tỷ lệ ĐB chuyên trách trong Quốc hội quyết định rất lớn chất lượng hoạt động của Quốc hội, vì sao việc tăng ĐB chuyên trách cần nhiều thời gian như vậy?
Cần có thời gian chuẩn bị để lựa chọn được ĐB có trình độ (kể cả trình độ về lập pháp) và các điều kiện khác nữa. Không phải đưa ra con số 35 hay 50% rồi cứ thế áp vào, bầu cho đủ.
Vì nếu cứ áp như thế, có thể bầu đủ ngay, nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo. ĐBQH chuyên trách phải hội đủ các yếu tố, ví dụ để ứng cử, ngoài trình độ nhất định, phải có vị trí công tác, ít nhất là vụ trưởng hoặc tương đương (hệ số chức vụ 1,0), ở các tỉnh phải là Ủy viên Thường vụ; trong quân đội, công an phải có hàm thiếu tướng trở lên.
Chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng QH thông qua tăng số lượng ĐB chuyên trách, nhưng phải giữ điều kiện đối với ĐB chuyên trách. Không thể tăng ĐB chuyên trách bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn. Vì vậy, có lẽ phải vài ba khóa nữa mới có thể đạt tỷ lệ 50%, vì cần đủ thời gian để chuẩn bị, đào tạo cán bộ.
Là ĐBQH, bà có thấy điều kiện đối với ĐB chuyên trách như vậy là quá cao, còn thiên về bằng cấp/vị trí công tác hay không?
Tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách như vậy không phải là cao. Theo quy định, ĐB chuyên trách có vị trí tương đương như tổng cục trưởng, nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp. Ngoài nhiệm vụ của ĐB thường, ĐB chuyên trách phải có khả năng xem xét, thẩm định các dự án luật, những vấn đề quốc kế dân sinh, chứ không chỉ là đại diện cầu nối cử tri với Quốc hội.
Để thẩm định đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, người thẩm định phải kinh qua công tác giảng dạy phổ thông, đại học hoặc công tác quản lý ở bậc nhất định.
Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban VH,GD,TN,TN và NĐ của Quốc hội phải là những người có chuyên môn, có thực tế quản lý trong ngành giáo dục.
Đối với Ủy ban Tư pháp, Pháp luật, ủy viên chuyên trách phải hiểu biết pháp luật, có nhiều năm làm công tác xét xử, quản lý ở ngành tòa án, viện kiểm sát.
Những điều kiện như vậy đối với ĐBQH chuyên trách rất quan trọng, không thể xem nhẹ, hạ thấp tiêu chuẩn để đổi lấy số lượng.
ĐB chưa thực sự tâm huyết chỉ là cá biệt
Có ý kiến cho rằng, hiện nay ĐBQH nói chung còn hạn chế về điều kiện làm việc nên chưa phát huy hết khả năng?
Về cơ bản, điều kiện làm việc của ĐBQH nói chung đã được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là với ĐB chuyên trách. Tại các ủy ban có các vụ chuyên môn giúp việc ĐB chuyên trách trong hoạt động thẩm tra dự án luật, tiến hành giám sát, thực hiện các nhiệm vụ khác.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của ĐBQH nói chung thì điều kiện làm việc cũng còn những hạn chế. Tới đây, cần có cơ chế để ĐB có thể mời chuyên gia tham vấn cho mình, vì không phải ĐB nào cũng am hiểu sâu tất cả các lĩnh vực.
Có ý kiến cho rằng, Quốc hội còn có những ĐB thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm. Trong các phiên thảo luận có ĐB không phát biểu gì dù rất am hiểu vấn đề đó?
Phải khẳng định là các ĐBQH đều tâm huyết, có trách nhiệm. Chất lượng phát biểu, thảo luận của ĐB hiện nay cao hơn rất nhiều so với đầu nhiệm kỳ. ĐB không chỉ thể hiện chính kiến mà còn đi đến cùng vấn đề.
“Các ý kiến phát biểu của ĐB Quốc hội ngày càng có chất lượng hơn, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của ĐB, chứ không phải phát biểu cho xong, khơi vấn đề ra để ngỏ, hay phát biểu để được dịp xuất hiện trước công chúng”.
Phó Chủ nhiệm VPQH
Nguyễn Thanh Hải
Tôi thấy ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) là một ĐB tâm huyết, dù bà thuộc nhóm ĐB tuổi cao nhất trong QH hiện nay. ĐB An còn đi thực tế, làm rõ vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng vật liệu a-mi-ăng trong xây dựng đến môi trường thế nào (Bộ chủ quản đã có ý kiến). Vấn đề giảm nghèo cũng được ĐB An quan tâm.
Các ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Lê Như Tiến (Quảng Trị) và nhiều người khác cũng là những ĐB rất tâm huyết, trách nhiệm.
Cũng còn có ĐB ít quan tâm đến hoạt động nào đó của Quốc hội, tôi nghĩ có thể do ĐB không thật sự am hiểu lĩnh vực đó, hoặc có lý do đặc biệt nào đó. Nếu còn ĐB nào chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm thì đó chỉ là cá biệt, trong số gần 500 ĐB mà thôi.
Cảm ơn bà.