Tăng cường công tác kiểm tra Đảng, phòng, chống tham nhũng

Tăng cường công tác kiểm tra Đảng, phòng, chống tham nhũng
TPO- Sáng nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại hội XI tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về các văn kiện. Phóng viên ghi lại một số ý kiến tham luận.

Đại hội XI tiếp tục thảo luận văn kiện

Tăng cường công tác kiểm tra Đảng, phòng, chống tham nhũng

TPO- Sáng nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại hội XI tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về các văn kiện. Phóng viên ghi lại một số ý kiến tham luận.

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Chánh Văn phòng BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến:

“Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, quyết tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, song công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp xảy ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục, tham nhũng chưa được ngăn chặn, từng bước đẩy lùi như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra, tệ tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội.

Hiện đang còn nhiều ý kiến đánh giá, nhận định khác nhau về tình hình tham nhũng và hiệu quả công tác PCTN. Đề nghị Đoàn chủ tịch Đại hội bố trí thời gian đề nhiều đại biểu phát biểu, trao đổi về công tác PCTN tại hội trường. Đề nghị Đại hội trong lựa chọn các Uỷ viên T.Ư kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh”; nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị. Không thể nói là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí khi ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương của mình không triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và không kiên quyết phát hiện và xử lý các vụ việc vụ án tham nhũng.

Đề nghị BCH T.Ư khóa XI tiến hành tổng kết Nghị quyết TW 3 (khóa X) ngay từ năm đầu nhiệm kỳ (năm 2011) để kịp thời điều chỉnh các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Trịnh Long Biên:

Không có “vùng cấm” trong công tác kiểm tra, giám sát

Đảng ta là Đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, mọi lĩnh vực đều phải được kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng ở những vị trí càng quan trọng, lĩnh vực càng nhạy cảm thì càng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, không có “vùng cấm” trong công tác này.

Cấp uỷ các cấp không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo mà còn phải đích thân tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Hằng năm, cấp uỷ cấp trên sớm ban hành chương trình kiểm tra, giám sát, để cấp uỷ và tổ chức đảng cấp dưới phối hợp tổ chức thực hiện, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Nhiệm vụ chính trị, yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới đặt ra là: Phải bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cả hệ thống chính trị, trong điều kiện đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới cũng có không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được coi là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên BCH T.Ư, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Tập trung giải quyết các vấn đề của công nhân

Đảng đã có Nghị quyết về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhưng việc thể chế hóa Nghị quyết thành chính sách, pháp luật chậm được thực hiện. Vì vậy, trên thực tế nhiều vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân chưa được giải quyết thỏa đáng. Hàng vạn công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thuê nhà ở, trong điều kiện tạm bợ thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

Ở nhiều khu công nghiệp, tình trạng nữ công nhân lao động không lập được gia đình có xu hướng gia tăng, nhà trẻ, trường mầm non thiếu trầm trọng. Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, có nơi lương công nhân không đủ để tái tạo sức lao động của bản thân mình, nên đời sống vật chất và tinh thần của công nhân viên chức lao động gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Công nhân lao động không có thời gian, điều kiện sinh hoạt học tập nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của một bộ phận công nhân còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Ông Đặng Ngọc Tùng đưa ra 4 kiến nghị với Đại hội : Một là, Đảng cần tiếp tục kiên định lập trường giai cấp công nhân, tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược về giai cấp công nhân (GCCN) gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Hai là, Đảng lãnh đạo Chính phủ phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với công nhân lao động.

Ba là, Cần triển khai một cách có hiệu quả chủ trương từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân. Chất lượng giai cấp công nhân có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn là, Đảng cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho công nhân lao động, để họ luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tinh thần phấn đấu vươn lên trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, lương tâm nghề nghiệp.

Ngọc Tiến (ghi)

Theo Viết
MỚI - NÓNG