'Tang bằng' một cõi…

TP - Từng là cây bút nữ sắc sảo của báo Tiền Phong tại miền Trung với bút danh Lâm Chiêu Tranh, trớ trêu của số phận khiến nhà báo Nguyễn Khánh Hồng 13 năm “im ru dòm mình”, “đi trong tịch tịnh” với từng cơn đau của căn bệnh nan y trải qua những lần đại phẫu. Để rồi hai năm gần đây, chợt bừng thức giữa cơn đau là những bài thơ viết “vo” trên facebook, viết một lần, không kịp có thời gian lẫn sức lực để chỉnh sửa và nhìn lại… 

Đây sẽ là tập thơ buồn, rất buồn, với những ai không/chưa biết buồn. Đây sẽ là tập thơ đẹp không hề bi lụy, cho những ai đã thấu cạn nỗi buồn, nỗi đời.

Nhưng, trên đời này tìm đâu ra người không biết buồn?

Tập thơ đặc biệt, của một người 13 năm gần như vô thức với những cơn co giật đau đớn, không thể nhìn vào mặt chữ. Vùng ý thức của bộ não như những sợi tơ mảnh chập chờn run lên trong dông gió. Đôi bán cầu não hai lần cách nhau chục năm lần lượt được mổ banh ra, phơi bày trong ánh sáng ban ngày. Bóng đêm thâm u của tiềm thức được khai mở một cách nghiệt ngã vậy sao? Hay là sự động chạm nào đó đã khiến bừng thức một thứ ánh sáng và ngôn ngữ khác?

Là những bài thơ hoàn toàn được tác giả viết “vo” trên trang facebook cá nhân trong đôi năm trở lại đây. Gõ một mạch, không chỉnh sửa. Khi vùng ý thức sau nhiều năm mờ mịt chợt hồi tỉnh. “Không còn đủ sức cầm trên tay dù màn hình bé tẻo/ Nhấn vài chữ nói với thời gian”... “Còm nhom thời gian ngồi mổ cò/ Và khóc/ Máu trắng rỏ xuống chữ chỉ mỗi mình nhìn thấy được”.

Tôi nghĩ nhiều về sự “chờ đợi” của số phận. Khánh Hồng làm nhiều thơ từ rất sớm, khi còn là nữ sinh khoa Văn Đại học Sư phạm Huế cuối thập niên 80’ của thế kỷ trước. Về tình yêu, tình bạn, tình đời. Nhưng cũng chỉ in lẻ rải rác trên báo chí, chưa gom thành tập nào. Làm sao biết trước được đến một ngày sẽ ra tập thơ trĩu nặng thế này. 

'Tang bằng' một cõi… ảnh 1 (Đọc tập thơ “Đoản khúc tang bằng” của Khánh Hồng)

Với một cái tựa thơ thoạt nghe nhẹ bẫng, “Đoản khúc tang bằng”. Chưa thấy ai dùng hai từ “tang bằng”, trại đi từ hai chữ “tang bồng” chăng? Cõi nhân gian, ai nào biết trước nỗi dâu bể đời người? Như những câu thơ thường được Hồng viết ra lúc 0 giờ. Có thể quá muộn cho một ngày. Nhưng nhìn phía khác, lại đầy ắp tinh khôi cho một ngày mới nữa. “Âm thanh của đêm là quá khứ và ngày… Thức cho em biết mình còn phía trước”.

Làm sao biết đến lúc sẽ viết những câu thơ này:

Tràng hạt em không lần, làm sao anh nên thơ

Tiếng mõ em không gõ dồn, tiếng chuông em không rải đều vào chiều

làm sao mắt anh ngấn lệ

Ngồi bên Di Lặc mà cười

Dặt dìu trâu thả giếng khơi, bãi bồi

Đan điền mấy tấc ngộ rồi

Thì đâu kể nỗi luân hồi, bể dâu.

Và nữa

Em đã lắng tất cả vào trong tay áo/ Quệt vệt ngày chầm chậm, dây dưa/ Để lau khô/ những giọt mặn đôi khi bướng bỉnh...

Đọc thơ Khánh Hồng phải đọc một mạch, nên đọc một mạch. Bởi cảm xúc cứ trì níu nhau dẫn dắt chúng ta nghe lại câu chuyện của một cuộc đời. Thơ viết trên facebook của Hồng là thời sự của một trái tim nhức buốt.

Con về chưa

Qua ô kính nhập nhòa

Mẹ thấy rõ

Xe đạp tả tơi

Cặp sách nặng không thể nào hơn nữa.

Không ai mở cửa

Tiếng gọi lạc vào chiều

Đó là khi người mẹ đang trên chuyến tàu xuyên hoàng hôn trong hành trình đi chữa bệnh, dưỡng tịch một nơi xa xôi, ngồi bên “Ô kính nhập nhòa” mà thương nhớ về con. Nỗi nhớ thương vượt lên cả cơn đau thắt: “Cho em mơ giấc về nhà/ Mỉm cười đón cơn đau đến”. 

Là sực tưởng ra một ngày mai: “Mẹ là hạt bụi quẩn quanh bên con/ Chạm vào thịt da ngát thơm/ Con sẽ bảo, gớm sao mà bụi thế/ Mà không biết chính là mẹ đấy”.

Thời sự về nỗi toan lo đến vụng về của chồng con: 

Cha con bảo nhau đừng xô chén bát

Mẹ thắt lo lại mất ngủ, con à

Làm về tấp vào chợ gần nhà

Quờ tay vội cho con qua bữa đói.

Anh sợ rét đêm không kịp về...

Sợ em trượt dép... đất quê

Từng bậu cửa, từng bậc cầu thang

Mắt anh đỡ cho em vịn bước những ngày chân ngủ

Rồi thì thầm với người cha đã khuất: 

“Hồi hôm, chồng con sửa soạn bàn thờ Phật, bàn thờ Gia tiên/ Khi thắp nhiều hương lên đủ các lư, con không thở được, nên ngồi tịch tĩnh chừng canh giờ trong im lìm/ ngọn quả ớt đỏ chói luôn luôn để sáng/ Chân con vẻ như chạy hạch, nhấc đau/ Người bị chứng nan y giống như đi canh chừng du kích/ chả biết khi mô nó bùng lên dập mình xuống/ Nhưng con đã quên cái chết rồi…”.

Là người mẹ già, đêm đêm: “Mẹ mở cổng to/ Ngồi nghe từng động/ Nhận trong từng tiếng/ Xe nào cháu về”.

Là thoáng hương dĩ vãng: “Em của ngày xưa xa/ Trăng chênh vênh Cồn Hến/ Búp sen nở đêm qua/ Chờ hoài người chẳng đến”.

Những status-thơ mang thông tin thời tiết của thiên nhiên trời đất. Thời tiết của từng cơn đau cùng nỗi niềm trao gửi.

Nhiều khi rất lạnh: “Em trót xỏ vào chân đôi giày quá khổ/ Bỏ thì lạnh/ Đi thì rơi/ Thế nên lừng khừng, khập khiễng/ Khập khiễng cả ngày/ Suốt đời”. Nhưng rồi lại ấm nồng dù giữa ngày giá băng: “Những ngày mặt trời đi vắng/ Những ngày bóng người mù trong sương mưa/ Này cốc nước, bát cơm/ Này lá chanh, rễ ổi/ Đầu trọc vẫn ngát thơm”.

Trên đời này tìm đâu ra người không biết buồn, chưa biết buồn?

Nên biết ơn những câu thơ chênh chao lúc 0 giờ, gọi người bình thản

Vẫn là mình đấy thôi

Kết hoa sen mỗi ngày bình thản thời gian đùa ngoài khung cửa

Thi thoảng nhấn vào bàn phím cũ

Đôi câu vu vơ như gọi với người.

Đà Nẵng, 17/5/2017 

“Đoản khúc tang bằng” (NXB Hội Nhà văn, 2017) dày trên 220 trang với 161 bài. Khi tôi nhắn Hồng rằng sẽ đứng ra “nhặt” thơ trên facebook để in thành sách, Hồng ngần ngừ. Rồi nói, nếu in thì chọn in ít bài thôi, vì nhiều thơ buồn quá, không muốn làm “đau” thêm bạn đọc, bạn bè. Nhưng tôi vẫn quyết in đầy đủ nhất có thể những gì Hồng viết ra trong khoảng thời gian bừng thức sau 13 năm mê dài. Bây giờ thì Hồng đã rất mệt, không thể tự tay ký tặng sách cho ai nữa… 

MỚI - NÓNG