Tận thấy công trường ở Hoàng thành

Vật liệu, phế liệu ngổn ngang tại khu di tích 18 Hoàng Diệu
Vật liệu, phế liệu ngổn ngang tại khu di tích 18 Hoàng Diệu
TP - Sau hai bài đăng Tiền Phong ngày 24 và 25/7 về kiến nghị của các chuyên gia, cảnh báo sự xâm phạm khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, phóng viên Tiền Phong khảo sát hiện trường, làm việc với BQL Dự án Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới.

Ngổn ngang


Chiều 25/7, chúng tôi có mặt tại công trường thi công Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, khu vực thi công hạ tầng cơ sở, cảnh quan khu vực 18 Hoàng Diệu. Muốn bước chân vào khu vực này phải trình diện tại lán bảo vệ ngay đường Độc Lập (đối diện Lăng Bác), và sự bảo lãnh của BQL. 

Trong bản kiến nghị mà ba Hội gửi Thủ tướng có nêu “Các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố bị xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng. Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi làm hư hỏng các di sản khảo cổ đã xuất lộ”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hai hố khai quật lộ thiên hiện vẫn ngập nước. Có máy bơm đặt tại miệng hố, nhưng không thấy hoạt động. 

Nhìn bằng mắt thường không thể nhận ra đây là hố khai quật khảo cổ. Một số đoạn thành hố bị xói lở. Hố khai quật lộ thiên giáp con đường đang thi công cạnh Nhà Quốc hội, ngoài tường xây còn có hàng rào bằng tôn. 

Theo ông Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc BQL Dự án “để ngăn vật liệu rơi xuống hố”, khi thi công xong phải dỡ bỏ, trả lại mặt bằng cho khu di tích.

Hai hố khai quật thuộc khu D có mái che. Trong đó một nhà che có nền khai quật khô ráo, tuy nhiên xung quanh không có lưới chắn bụi và ngăn vật liệu xây dựng rơi xuống. Ngược lại, khu có lưới chắn bụi xung quanh, nhưng do mái che bị thủng, nước mưa hắt xuống khiến một phần hố vẫn có nước, chưa được khắc phục.  

Tận thấy công trường ở Hoàng thành ảnh 1 Hố khai quật có mái che vẫn sũng nước, chưa được xử lý. Ảnh: T.Toan

Khó mà nhận biết đây là khu di tích khảo cổ, bởi toàn cảnh là công trường ngổn ngang vật liệu, phế liệu dỡ xuống từ các khu nhà tồn tại từ trước trong khu C-D: Nhà của Khu Bảo vệ sức khỏe Trung ương 5, nhà vệ sinh, trạm cảnh vệ, trạm biến áp, bãi đỗ xe của hội trường Quốc hội cũ. Phá dỡ những công trình này nằm trong Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vục khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, mà giai đoạn 1 hoàn thành để chuẩn bị cho thực hiện xây dựng khu Công viên Hoàng thành sau này.

Nhà vệ sinh lưu động - theo đơn kiến nghị của các chuyên gia là “phản cảm”, nay được lui ra rìa khu C, giảm bớt số lượng. Hơn chục container vẫn được đặt trong khu di sản, theo giải thích của đại diện BQL là “nhà ở của ban điều hành”. Công nhân không ở tại công trường, nhưng sinh hoạt ngày thường như ăn trưa, vệ sinh là không thể tránh khỏi.

Ảnh hưởng - đương nhiên?

“Ở đây đang có hai dự án cùng triển khai, đều do chúng tôi quản lý. Rõ ràng với hai dự án (Nhà Quốc hội và Dự án hạ tầng khu 18 Hoàng Diệu), mặt bằng với giao diện, có mối quan hệ tương hỗ nên những nội dung, công việc liên quan tác động đến nhau là không thể nào tránh khỏi”, ông Đỗ Thiều Quang nói. 

Theo các chuyên gia khảo cổ, di sản “Bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3-4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của Khu di sản”. 

BQL lý giải, con đường này chính là chỉ giới giữa Nhà Quốc hội và khu di sản. Do hố khai quật chưa được lấp cát, nên lộ ra bức tường chắn, nhưng sau này khi triển khai công viên Hoàng thành, đây sẽ là “hàng rào mềm” - chính là đường đi lát đá, trồng cỏ xen kẽ, không còn bức tường này nữa. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Hội đồng tư vấn, con đường này đáng ra không được chờm sang phần đất di sản vì vi phạm cam kết.

 Nhưng sau đó, các chuyên gia chọn giải pháp dung hòa như hiện nay.
Khoảng hơn một nghìn công nhân thi công Nhà Quốc hội, trong đó khoảng hai trăm người thi công ở khu vực 18 Hoàng Diệu. 

Các anh không thấy đặt nhà vệ sinh trên khu di sản là quá phản cảm?

“Chúng tôi đặt nhà vệ sinh trên phần đất xưa kia vốn là nhà vệ sinh của các khu nhà làm việc cũ. Có nhà vệ sinh mới không lo chuyện ý thức kém, không có mới nguy, sợ công nhân làm bậy. Sau khi có ý kiến, chúng tôi có dịch chuyển, không đặt cạnh, làm ảnh hưởng hố khai quật”, ông Quang nói.

Tại sao không phải phương án khác, đặt ra ngoài khu di sản chẳng hạn?

 “Bên ngoài không có nhà vệ sinh công cộng. Toàn bộ công trình được tháo dỡ, hàng rào hai bên đường Độc Lập, Hoàng Văn Thụ đều mở cả, có thể nhìn vào. Chúng tôi đã nghiên cứu cả rồi, không lẽ đặt sang đường Độc Lập (đối diện Lăng), Hoàng Văn Thụ (khu vực làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng”, ông Quang lý giải.

Nhiều khối đất của các hố khai quật cũ, đất lẫn gạch, bê tông của các khu nhà được tháo dỡ hiện mới được di chuyển một phần ra khỏi khu di sản. Theo ông Quang “sẽ rút từ từ” để hoàn thiện thi công. 

“Toàn bộ công trình tạm tháo dỡ, đương nhiên không phải trong nháy mắt mang đi được, nó vẫn nằm ở công trường. Đây là phần phế liệu tồn tại từ trước, chứ không phải chúng tôi mang đến đặt vào”, ông Quang khẳng định. 

Giữa công trường thi công rất rộng, luôn tiềm ẩn những nguy cơ xâm hại đến di tích mong manh cạnh đó. Tiếc là khi bàn giao, Hà Nội không có giải pháp cụ thể, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho di tích đã xuất lộ.

Tăng cường giám sát, có khả thi?

UBND TP Hà Nội có công văn số 5286 ngày 21/7 về việc phối hợp trong quá trình thi công Dự án Nhà Quốc hội và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vục khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc ký. 

Trong đó, UBND TP “Đề nghị BQL Dự án Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) phối hợp chặt chẽ với Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng Nhà Quốc hội, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu di tích 18 Hoàng Diệu đảm bảo công tác vệ sinh, thu dọn chất phế thải tuyệt đối không được ảnh hưởng đến công tác bảo tồn khu Di tích”.

Thực hiện quyết định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích 18 Hoàng Diệu của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội ủy quyền BQL Dự án nhà Quốc hội thực hiện thi công Dự án xây dựng cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật khu di tích 18 Hoàng Diệu tại khu C-D, hoàn thành đồng bộ với công trình Nhà Quốc hội. 

Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội (đơn vị được UBND Thành phố giao nhiệm vụ quản lý Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long) cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) “tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý di sản, xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố”. 

Song các chuyên gia di sản, khảo cổ cảnh báo hình thức bàn giao khu lõi di tích 18 Hoàng Diệu này là “trái Luật Di sản, vi phạm Công ước quốc tế của UNESCO”. Dù việc này để phục vụ cho yêu cầu cấp thiết hoàn thiện Nhà Quốc hội trước tháng 9, bước đầu thực hiện dự án ở 18 Hoàng Diệu, nhưng việc giám sát phải rất chặt chẽ. Thực tế điều này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đại diện Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 16/7 đi kiểm tra thực tế thi công, làm việc trực tiếp với hai cơ quan về những vấn đề liên quan, đồng thời có kiến nghị đề xuất với lãnh đạo UBND thành phố.

Tiếp đó, chiều 24/7, cán bộ của Văn phòng UBND cũng ghi nhận tại hiện trường khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu có một số tiến bộ trong công tác xử lý vệ sinh tại khu vực đang thi công. Là do đơn kêu cứu của ba Hội? Những ngày này Hoàng thành Thăng Long vẫn đang được những người quan tâm hướng tới với sự lo lắng.

Theo 0
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.