Khó chọn phương án công viên Hoàng Thành?

 Phối cảnh đồ án đạt giải nhì của tác giả người Pháp Jean Francois Milou
Phối cảnh đồ án đạt giải nhì của tác giả người Pháp Jean Francois Milou
TP - Chiều 24/6, Hà Nội trao giải cho sáu phương án vào chung kết cuộc thi thiết kế phương án bảo tồn, phát huy khu 18 Hoàng Diệu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể biết hình dung của công trình được trông đợi này ra sao.

Không có giải nhất

Sau bài Công viên Hoàng Thành, bao giờ? đăng Tiền Phong ngày 3/6, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 3302 tiếp nhận ý kiến, và giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cùng UBND thành phố về những nội dung thực hiện cam kết với UNESCO, thi tuyển phương án kiến trúc khu di tích 18 Hoàng Diệu. Cuối cùng sau gần hai tháng bỏ phiếu, BTC trao sáu giải, không có giải nhất.

Hai giải nhì thuộc về Studio Milou Singapore, Liên danh Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) và Cty TNHH Kỹ thuật Bền vững Việt Nam, mỗi giải 200 triệu đồng. Ngoài ra có 1 giải ba, 3 giải khuyến khích, lần lượt nhận 100 triệu đồng, 50 triệu đồng.

“Cuộc thi thu hút đông đảo kiến trúc sư trong và ngoài nước tham gia. Các phương án dự thi thể hiện khá rõ hai xu hướng là khối hình học và hữu cơ, mềm mại hướng tới dạng vườn và công viên với quy mô, bố cục khác nhau. Mỗi xu hướng - xét theo các tiêu chí chấm chọn, đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Kết quả không có giải nhất càng khẳng định mức độ khó của cuộc thi và yêu cầu cao về một công trình vừa tạo điều kiện tốt nhất cho bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học, vừa là kiến trúc hấp dẫn, hòa nhập với khung cảnh, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại, đồng thời mang dấu ấn Thăng Long - Hà Nội biểu trưng cho văn hóa Việt Nam” - PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội đồng thi tuyển đánh giá.

Dù trao giải, Hà Nội vẫn chưa công khai chọn phương án nào để sớm có công viên khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long xứng tầm di sản thế giới. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại lễ trao giải rằng, Ủy ban đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, các kiến trúc sư, nhà khoa học khẩn trương triển khai và hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát các yêu cầu theo Quyết định số 696 của Thủ tướng.

Ông Doãn Minh Khôi, một trong 17 thành viên hội đồng chấm giải cho biết, hội đồng chấm rất kỹ, thảo luận công khai, thậm chí có ý kiến khác hẳn nhau, sau đó mới bỏ phiếu. Ông cũng nhấn mạnh, đây mới là cuộc thi hội đồng, quyết định cuối cùng là ở chủ đầu tư-UBND TP Hà Nội.

“Tất cả tác phẩm dù đạt hay chưa đạt giải đều là tư liệu rất quan trọng để thành phố tham khảo khi lập kế hoạch và dự án đầu tư xây dựng quản lý bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, bà Ngọc nói.

Chỉ sợ tầm thường

“Lo nhất là chọn giải pháp hãm tài, tầm thường. Thủ đô chúng ta xây dựng cái gì, phần lớn hơi tầm thường, giờ phải có công trình chói lọi chứ”, GSTS.KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng chấm giải nói.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của công trình này, bởi đây là lần đầu tiên thế giới biết đến Thăng Long-Hà Nội bằng vật chất, sờ nắn được chứ trước đó chỉ là nhặt nhạnh mảnh nọ mảnh kia. Tuy nhiên, các phương án dự thi, kể cả hai giải nhì và một giải ba “chưa có gì đặc sắc và phải cố gắng nhiều, nhất là trong giải pháp nghệ thuật”.

Để bảo quản, bảo tồn lâu dài và phát huy khu di tích, di chỉ vô cùng quý giá, công trình đó phải được thiết kế và xây dựng đáp ứng hai mục đích. Thứ nhất phải đảm bảo yêu cầu tối thượng là bảo quản tốt nhất, lâu dài hiện trường khảo cổ học, thành phần cấu thành di tích. Thứ hai không kém phần quan trọng, đây phải là công trình văn hóa nghệ thuật tương xứng với thời đại. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước và cộng đồng xã hội đặt vấn đề bảo quản, bảo tồn lâu dài một di chỉ khảo cổ học.

KTS Kính cho rằng, các đồ án ở đây chưa hẳn đã đáp ứng cả hai yêu cầu này. Về mặt bảo quản, bảo tồn tương xứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam vô cùng phức tạp và thách thức - điều các đồ án này chưa giải quyết được. Hiện vật chủ yếu ở đây là đất nung, bảo quản cực kỳ khó, chưa kể phải bảo quản hiện trường khảo cổ học, với nhiều tầng lớp đất bị nước xâm nhập theo nhiều phía. Nhưng ông cũng nói, vấn đề đó có thể giải quyết.

Hà Nội và hội đồng chấm chọn đều đưa ra tiêu chí công trình đó phải hài hòa với nhà Quốc hội. Tuy nhiên, KTS Hoàng Đạo Kính có ý kiến khác. “Quan trọng nhất, không nên coi đây chỉ là công trình kỹ thuật, bảo quản mà phải coi là công trình kiến trúc đặc sắc, góp tiếng nói mới trong phức hợp Ba Đình.

Khu vực này rất đặc biệt, thường đã là trung tâm thành phố bao giờ cũng có quần thể kiến trúc khép kín, kiến trúc rất hoành tráng. Ở đây không có, mà lại là nhiều công trình đặt tự do trong không gian xanh, có giá trị khác nhau. Chúng ta bỏ rất nhiều tiền xây nhà Quốc hội như là dấu ấn, thì tại sao công trình vĩnh cửu hóa di sản, thái độ của chúng ta với di sản, lại không thể có vị trí đặc biệt”, ông nhấn mạnh.

600 tỷ đồng không phải là vấn đề?

Ông Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Kiến trúc và Đô thị, nói rằng, trước mắt, thành phố đưa ra con số 600 tỷ đồng cho dự án khu 18 Hoàng Diệu. Đó mới là dự tính, con số thực có thể lớn hơn. “Nhưng cái đó không phải vấn đề quá lớn. Khó nhất là làm thế nào bảo quản di tích bên dưới, vẫn tạo ra cảnh quan đẹp, thu hút mọi người đến tham quan, đặc biệt biến thành bảo tàng tại chỗ”, ông Khôi nói. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, số tiền này không lớn so với công trình quy mô như thế.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.