Coi di sản là số một
Hai năm trước Chính phủ phê duyệt kế hoạch biến khu 18 Hoàng Diệu thành công viên văn hóa lịch sử. Mới đây TP Hà Nội trưng bày 6 tác phẩm vào chung kết cuộc thi thiết kế bảo tồn và phát huy khu khảo cổ học.
“Đây là cuộc thi có nội dung khó. Vị trí thực hiện đắc địa nhưng cũng đầy khó khăn, nội dung phức tạp. Tất cả điều đó phản ánh trong nội dung cuộc thi và các tiêu chí của hội đồng chấm, tranh luận rất ghê”, PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo, nói.
Ông nói thêm, chưa có cuộc thi nào thành phần đủ các nghề, phức tạp đến thế. Trong số 17 thành viên chấm có lãnh đạo thành phố, nhà quản lý, nhà sử học, văn hóa, khảo cổ, và có cả chuyên gia kiến trúc quốc tế. Tiêu chí đối với các đồ án dự thi là quy hoạch cảnh quan, kiến trúc và bảo tồn, trong đó tiêu chí về bảo tồn và kiến trúc có số điểm ngang nhau.
“Cái khó nhất đối với các đơn vị tư vấn là vấn đề bảo tồn. Bảo tàng thông thường không khó, nhưng bảo tồn di chỉ khảo cổ học rất mong manh. Một số nước có điều kiện khí hậu giống Việt Nam, bao giờ họ cũng đặt điều kiện bảo tồn di chỉ để nguyên gốc được/phải ở môi trường khí hậu tốt nhất. Giải pháp năng lượng, khí hậu, kiến trúc, kết cấu để bảo tồn vĩnh viễn là bài toán khó. Ở đây không phải vấn đề đẹp, đầu tiên là tạo môi trường tốt nhất cho khảo cổ tiếp tục, cũng như bảo tồn bền vững những khu đã phát lộ”, KTS. Vũ Đình Thành, Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia, nói.
Trong cuộc họp của UBND thành phố Hà Nội tháng 7 năm ngoái, các nhà quản lí, chuyên gia đặt vấn đề: Quy hoạch cảnh quan tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi, công viên văn hóa lịch sử này phải làm sao hài hòa với nhà Quốc hội, và một loạt công trình xung quanh như Lăng Bác, khu tượng đài Bắc Sơn, Phủ Chủ tịch. Sáng 30/5, tại tọa đàm do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức, một chuyên gia cũng đặt câu hỏi cho những người thực hiện đồ án, làm sao để khối kiến trúc công viên “không tranh chấp với nhà Quốc hội”.
KTS Nguyễn Quốc Thông cũng nhấn mạnh, yêu cầu đối với các đơn vị dự thi là “kiến trúc phải tạo điều kiện cho bảo tồn và phát huy tốt nhất di sản, không lấn át di sản”, bên cạnh ý nghĩa giáo dục, thể hiện bản sắc riêng. KTS. Vũ Đình Thành cũng nói, trong phương án thi của Viện (phối hợp với Viện Kiến trúc quốc gia Bỉ Boyden-Ney) “đặt yếu tố bảo tồn di sản lên hàng đầu, trước cả quy hoạch không gian, sau cùng mới là kiến trúc”.
Khả thi đến đâu?
Đại diện hội đồng giám khảo đánh giá, 24 phương án đa dạng nhưng có thể tạm chia thành hai xu hướng. Một là xu hướng các khối vuông vức, hài hòa khi áp dụng công nghệ bảo tồn, có tính hiện thực cao. Tiếc là kiến trúc nhạt nhòa. Xu hướng thứ hai là sử dụng các đường cong mềm mại, tạo khu vườn xanh, có kiến trúc ấn tượng. Nhược điểm lớn nhất là dễ tranh chấp với nhà quốc hội.
Hai phương án được đánh giá cao là đồ án của tác giả Pháp, và đồ án của Viện Kiến trúc quốc gia tuy đều có điểm mạnh, nhược điểm riêng. KTS Thông đánh giá, một phương án tạo ra sức hấp dẫn, sống động chứ không tạo cảm giác bảo tàng khô cứng “gắn kết lan tỏa một cách hữu cơ, với kiến trúc nhẹ nhàng”.
Tuy nhiên kiến trúc lại có phần bị xem nhẹ, đơn giản do tác giả tập trung quá vào di sản. Phương án khác tạo công trình gây ấn tượng, có vườn trồng cỏ bên trên mái vòm thành công viên đi bộ cho du khách, bên dưới là không gian dành cho khảo cổ, tuy vậy tính tranh chấp với nhà quốc hội rất cao: Nhà Quốc hội là ngôn ngữ kiến trúc cứng, dùng hình khối mạnh theo chủ nghĩa công năng.
“Thành phố sẽ xem xét, quyết định chọn phương án và ý tưởng tốt nhất để xây dựng”, KTS. Thông nói. Các thành viên hội đồng giám khảo đã cho điểm, nhưng BTC vẫn chưa công bố và trao giải, chứ nói gì đến quyết định phương án biến khu khảo cổ đang tạm bợ bằng mái che, thành công viên khảo cổ tầm cỡ.
“Trong nhiều cuộc thi về các công trình kiến trúc, người ta bao giờ cũng quan tâm đến kinh tế, nguồn lực. Những phương án như tòa tháp bông lúa, Sóng biển Đông, Cánh buồm đỏ thắm... nhiều cái hay nhưng cuối cùng không thực hiện được vì giải pháp kinh tế. Tôi cho rằng, phải đặt vấn đề thực hiện, tiến độ. Hơn nữa, muốn đưa công viên này thành hiện thực, cần đặt vấn đề gắn kết khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu với trục trung tâm-có thể nâng tầm di sản”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm phát biểu.
Dù phương án của Viện Kiến trúc Quốc gia được đánh giá cao, nhưng các chuyên gia e ngại chi phí lớn khó khả thi, nhất là trong tình hình hiện nay. KTS. Vũ Đình Thành lại cho rằng, tính khả thi phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng, chức năng đem lại. Phương án Viện đưa ra có ưu điểm là mái lớn bằng kính ôm trọn khu khảo cổ, không cần thay đổi quy hoạch tổng thể nếu có tiếp tục mở rộng diện tích khảo cổ.
Hoàng Thành vẫn bị “chia năm xẻ bảy”
Trong hội thảo về quản lí di sản thế giới gần đây do Cục Di sản Văn hóa tổ chức, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nêu lại vướng mắc lớn, khiến di sản thế giới Hoàng Thành chưa đúng như cam kết với UNESCO: Dự án khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu thực hiện từ 2002, đến nay chưa kiểm kê hết số hiện vật, gặp khó trong quản lí, bảo tồn.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng vẫn chưa bàn giao diện tích còn lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội, đồng thời chưa thể di dời hai gia đình lão thành cách mạng tại khu biệt thự song lập 28D Điện Biên Phủ, để thực hiện cam kết nhất thể hóa quản lí di sản.