Vì sao cam kết?
“Tôi nhớ lúc đang xây dựng hồ sơ, UNESCO có cử chuyên gia thẩm định Hoàng thành. Nhìn thấy các hố khai quật khảo cổ, ông ấy nói là tuyệt vời, chắc chắn thắng rồi. Anh em chúng tôi hân hoan lắm. Khi về báo cáo lại với UNESCO, ông ấy nói di sản có giá trị, nhưng bên cạnh là dự án Nhà Quốc hội, vi phạm giá trị toàn vẹn. Ông ấy kiến nghị không bỏ phiếu cho hồ sơ này, thậm chí theo tôi biết còn đẩy hồ sơ của chúng ta xuống loại D, tức là không còn cơ hội nữa.
Lúc đó chúng ta phải tập trung công sức chỉnh sửa hồ sơ, giải thích với họ về tính toàn vẹn của giá trị. Thời điểm ấy, có hôm GS Phan Huy Lê 3h sáng còn gửi câu hỏi, yêu cầu chúng tôi trả lời ngay lập tức, nếu không hồ sơ e là không kịp giải trình. UNESCO chấp nhận việc xây dựng Nhà Quốc hội, nhưng Chính phủ phải cam kết 8 điều, xem như điều kiện để di sản được công nhận”.
Trên đây là lời kể của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, thành viên ban xây dựng hồ sơ Hoàng thành.
“Trong bối cảnh Hà Nội chuẩn bị kỉ niệm ngàn năm Thăng Long, mình cũng vận động hành lang để Di sản sớm được công nhận. Sự công nhận đó thể hiện sự ưu tiên, trân trọng, đánh giá rất cao văn hóa Việt Nam. Và cả sự tin cậy vào việc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của chúng ta nữa”, GS Ngọc nhấn mạnh.
Quy hoạch Nhà Quốc hội có trước, nên UNESCO công nhận và chỉ khuyến cáo việc thiết kế và xây dựng Nhà Quốc hội phải hợp lý, hài hòa với khu di sản, trong khuôn viên đã được quy hoạch mà không được lấn sang di sản kể cả con đường cứu hỏa, cũng phải hạ thấp độ cao so với dự kiến ban đầu.
Theo nội dung bản kiến nghị do người đứng đầu ba Hội ký tên là GS.NGND Phan Huy Lê, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu và PGS.TS Trung Tín, con đường cứu hỏa của khu Nhà Quốc hội “lấn sang mốc giới phía Đông khu di sản tới 3m, phía Bắc không đều khoảng trên dưới 1,5m. Diện tích lấn sang khu di tích khoảng 450m2”.
Dù đây là hành động vi phạm cam kết Luật Di sản Văn hóa, Công ước quốc tế của UNESCO, nhưng do yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng Nhà Quốc hội, “Hội đồng tư vấn khoa học đã đưa ra một giải pháp dung hòa là thiết kế xây dựng một ranh giới mềm giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, phần trên mái cỏ với điều kiện khi thi công đơn vị xây dựng không được đào sâu vào lòng đất vượt quá 1m để không xâm hại di sản”.
Chưa đủ mạnh
“Tôi đề nghị các cơ quan trách nhiệm phải thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của chúng ta là bảo vệ toàn vẹn giá trị di sản. Ai có quyết định sai, ai làm sai, ai gây nên tổn hại nghiêm trọng này, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không thực hiện đúng cam kết, thì có khác nào chúng ta đang bội ước”, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội nói tại hội thảo “Quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam” hồi tháng 5: “Sau 4 năm di sản được công nhận, những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với UNESCO tuy đã được thực hiện rất nghiêm túc nhưng chưa đầy đủ, đặc biệt là bảo đảm thống nhất quản lý di sản và bàn giao tài liệu, hiện vật cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội”. Hiện, Trung tâm đã quản lý toàn bộ 4,538ha mặt bằng Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Đại diện Trung tâm cũng đề xuất một số nội dung để thực hiện đúng cam kết của Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới: Bộ Quốc phòng bàn giao toàn bộ diện tích nhà, đất tại số 51B Phan Đình Phùng (Nhà khách Bộ Quốc phòng - Trạm T66) cho UBND TP Hà Nội và triển khai xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại khu đất đã được tiếp nhận, để sau năm 2015 bàn giao cho TP Hà Nội nhằm nhất thể hóa toàn bộ di sản.
Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp UBND TP Hà Nội tổng kiểm kê di tích, di vật và bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật tại Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
Một trong số vướng mắc để nhất thể hóa toàn bộ di sản - chưa di chuyển được hai gia đình lão thành cách mạng là gia đình đồng chí Lê Quang Đạo và đồng chí Song Hào tại biệt thự song lập 28D Điện Biên Phủ. Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo về cơ chế, chính sách di chuyển hai gia đình này.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, khối lượng di vật di chuyển chưa bàn giao cho Hà Nội là: 26.545 két di vật gồm bao nung, sành, xương, nhuyễn thể, mẫu đất, gốm, sứ, kim loại, đầu rồng, lá đề; 10.651 két di vật là loại hình vật liệu kiến trúc.