Tận thấy bầu cử Mỹ

Tận thấy bầu cử Mỹ
TP - Tôi đến Mỹ vào thời điểm hai tuần trước bầu cử, đúng vào lúc cuộc chạy đua nước rút giữa hai ứng cử viên Tổng thống Barack Obama và John Mc Cain vào hồi quyết liệt nhất, ấy vậy mà cho tới tận ngày bầu cử, trên đường phố chả hề thấy cảnh trống dong cờ mở nhộn nhịp như bên ta, người dân Mỹ vẫn bình thản như không…

>> Bài 4 - Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ
>> Bài 3 - Cuộc sống nông dân Mỹ
>> Bài 2 - Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
>> Bài 1 - Nước Mỹ ký sự

Bầu cử chỉ “nóng”… trên tivi và trong các trụ sở tranh cử

Thống kê cho thấy tại các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, số cử tri đi bầu giảm nếu tình hình kinh tế, chính trị ổn định hoặc một ứng cử viên hầu như không có đối thủ trong các cuộc thăm dò.

Ngược lại số cử tri đi bầu sẽ tăng nếu cuộc đua là gay cấn sít sao hoặc nền kinh tế có vấn đề. Điều này lý giải vì sao kỳ này có lượng cử tri đi bầu nhiều kỷ lục, lên tới 130 triệu người.

Và ông Obama thắng cử cũng chính vì dân chúng Mỹ đã bắt đầu ngán ngẩm với sự trồi sụt thất thường của phố Wall và không muốn một “nhiệm kỳ ba của Bush” nếu ông Mc Cain thắng cử.

Dường như chính truyền hình và báo chí Mỹ đã làm nên không khí bầu cử sôi sục, song chỉ trong từng căn phòng, từng gia đình Mỹ bên chiếc tivi mà thôi. Bạn sẽ chỉ thực sự chứng kiến được cuộc chạy đua nước rút quyết liệt này một khi bước chân vào trụ sở Đảng Cộng hòa hay Dân chủ tại khắp các tiểu bang trên đất Mỹ.

Kể từ năm 1852 đến nay, các đời Tổng thống Mỹ đều là người của Đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, và hầu như không thể có cơ hội cho một Đảng thứ ba chen chân vào thể chế này.

Nền chính trị Mỹ có cấu trúc phi tập trung hóa, tổ chức của mỗi đảng ở mỗi bang hầu như không có liên hệ gì với nhau, thậm chí ngay Chủ tịch Đảng cũng khó mà biết được chính xác có bao nhiêu đảng viên, bởi họ không có thẻ Đảng, chỉ tự nhận mình là người của Đảng này hay Đảng kia mà thôi.

Khi đã nắm quyền, Tổng thống cũng không thể dám chắc các nghị sĩ tại quốc hội của Đảng mình có bỏ phiếu ủng hộ chính sách của ông ta đưa ra hay không. Đơn cử như gói giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỷ USD của ông Bush thoạt đầu đã bị bác bởi chính đa số hạ nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, thậm chí một nhân vật nổi tiếng của Đảng Cộng hòa là ông Colin Powell vào phút chót lại công khai tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Obama của Đảng Dân chủ.

Tận thấy bầu cử Mỹ ảnh 1
Tập huấn cách bỏ phiếu bằng máy tính màn hình sờ (Touching Screen Machine) cho các tình nguyện viên trước ngày bầu cử tại Austine, Texas. Ảnh : Việt Hùng

Ủy ban toàn quốc của hai Đảng này chủ yếu chỉ làm việc vận động tranh cử. Vừa bước chân vào trụ sở chính của Ủy ban toàn quốc Đảng Cộng hòa tọa trên phố số 1 ở thủ đô Washington, D.C, tôi bắt gặp bức ảnh khổ lớn đương kim Tổng thống Bush và phu nhân treo trang trọng nơi tiền sảnh, phía đối diện là phòng truyền thống, nơi treo ảnh các đời tổng thống của Đảng này.

Phía trên lối ra vào có căng một khẩu hiệu đầy tự tin: “Còn 12 ngày tới chiến thắng!”. Điều lạ là, khác hẳn với việc kiểm tra an ninh ngặt nghèo tại trụ sở các cơ quan công quyền như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp mà tôi tới bữa trước, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất kỳ nhân viên an ninh nào, mọi người đều có thể ra vào khá thoải mái nơi đây.

Bà Nancy Dehlinger, giám đốc bộ phận Phục vụ bầu cử vui vẻ giới thiệu với chúng tôi về vai trò của Ủy ban này trong chiến dịch tranh cử của ông Mc Cain. Lúc ra về, tôi chỉ vào cái khẩu hiệu đếm ngược chờ ngày chiến thắng kia, rồi hỏi bà liệu có tin rằng ông Mc Cain sẽ thắng cử ? Nancy trả lời đầy vẻ ngoại giao “chúng tôi hy vọng!”.

Cách ngày bầu cử một tuần, chúng tôi có mặt tại các trụ sở tranh cử của Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở hạt Duval tại thành phố Jacksonville, bang Florida. Điều thú vị là hai trụ sở chỉ nằm cách nhau có vài chục mét trên cùng một con phố Beach Blvd. Chuyện quỹ bầu cử của ông Obama rủng rỉnh hơn hẳn của ông Mc Cain cũng thể hiện rõ ở hai cái trụ sở này, từ bên ngoài đến bên trong.

Tận thấy bầu cử Mỹ ảnh 2
Các tình nguyện viên của Đảng Dân chủ tại hạt Duval, TP Jacksonville, bang Florida đang hối hả gọi điện thoại vận động cử tri ủng hộ Obama. Ảnh: Việt Hùng

Trụ sở bên Dân chủ nom bề thế và tấp nập hơn hẳn bên Cộng hòa. Vào bên Dân chủ bắt gặp không khí làm việc khẩn trương của cả trăm tình nguyện viên đang hối hả gọi điện cho cử tri trong vùng kêu gọi đi bầu cho ông Obama, trong khi chỉ có vài chục người đang làm việc tương tự ở trụ sở kế bên của Cộng hòa.

Xem ra đội ngũ tình nguyện viên của Dân chủ có vẻ trẻ trung và năng động hơn hẳn, rất nhiều trong số đó là sinh viên, thậm chí họ còn tổ chức đội quân đi gõ cửa vận động từng nhà dân trong vùng.

Bà Patricia Sher, Phó chủ tịch Đảng Dân chủ hạt Duval cho chúng tôi biết, theo điều tra của họ tại thành phố này có tới 60% sinh viên và hầu hết giới trẻ ủng hộ B.Obama.

Khi tôi hỏi “Vì sao ông Obama lại kiếm được nhiều tiền đến thế?”, Patricia lý giải: Ông ấy rất ấn tượng, thân thiện và có tài diễn thuyết, nhiều người tin vào chính sách của ông ấy nên bỏ tiền cho quỹ vận động tranh cử. Đặc biệt chúng tôi đã biết sử dụng triệt để lợi thế của công nghệ thông tin…

Tôi vặn lại, dường như câu chuyện về cuộc đời khá hấp dẫn của B.Obama đã làm “mê hoặc” giới trẻ nên họ ủng hộ? Cô sinh viên năm thứ hai ĐH North Florida người gốc Việt tên Mai đang làm tình nguyện viên cho chiến dịch bầu cử của ông Obama khẳng định: “Không phải, sinh viên nhìn vào đường lối và cả đội ngũ tranh cử, chứ không phải chỉ vì cuộc đời của ông ta”.

Cô hào hứng cho biết, “nếu Obama thắng cử, sang năm em sẽ về Việt Nam làm tình nguyện viên, bất cứ công việc gì cũng được miễn là có ích cho cộng đồng. Em rất thích về Việt Nam làm việc…”.

Tận thấy bầu cử Mỹ ảnh 3
Bà Patricia Sher, Phó chủ tịch Đảng Dân chủ hạt Duval và cô sinh viên Mai người Mỹ gốc Việt. Ảnh : Việt Hùng

Trong khi đó, tại trụ sở Đảng Cộng hòa ở hạt này, cô Streeter trợ lý cho Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của Mc Cain lại nói với chúng tôi đại ý rằng, ông Mc Cain mới là đại diện tiêu biểu cho đường lối của Cộng hòa, chủ trương  muốn tự làm lấy tất cả, chứ chả như ông Obama cứ muốn chính phủ phải móc hầu bao lo mọi việc cho dân chúng, đó là điều không tưởng.

Ngày bầu cử (Election Day), chúng tôi có mặt tại thủ thủ Austin, bang Texas - “sân nhà” của phe Cộng hòa. Thế nhưng trụ sở tranh cử của B.Obama tại đây vẫn hừng hực khí thế, họ huy động hàng trăm tình nguyện viên đổ ra ngoài đường phố đến gõ cửa từng nhà dân với câu hỏi “Quý vị có hài lòng với Tổng thống Bush? Nếu không hãy bầu cho Obama”. Một nhóm khác trong văn phòng thì đang mải miết gọi điện thúc giục “Nếu quý vị ủng hộ Đảng Dân chủ, hãy đi bầu cử !”.

Tính độc lập của người Mỹ

Trong suốt hành trình tìm hiểu về bầu cử trên đất Mỹ, tôi được nghe rất nhiều lập luận tương tự như trên của cả hai phe. Những kẻ ngoài cuộc như chúng tôi “chả dám” ủng hộ bên nào, chỉ lắng nghe và quan sát về cái gọi là nền dân chủ Mỹ, về cuộc bầu cử của một cường quốc mà cả thế giới này đang phải chú ý dõi theo.

Ấy vậy mà tại ngay đất nước này, có không ít những công dân Mỹ cả đời chưa đi bầu cử bao giờ, họ cũng chả thèm quan tâm đến ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng. Tôi đã gặp không ít người như thế, trong đó có cả những người Mỹ gốc Việt.

Thống kê ở Mỹ cho thấy, nhiều năm gần đây chỉ có khoảng 50% số cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống mà thôi. Thậm chí, ở cái thành phố nhỏ Paris, bang Illinois mà tôi tới, ông thị trưởng Craig Smith cho hay, kỳ này chỉ cỡ độ 25-30% cử tri đi bầu.

Tận thấy bầu cử Mỹ ảnh 4
Một cử tri Mỹ đi bỏ phiếu tại TP Paris, bang Illinois. Ảnh : Việt Hùng

Tôi đã đem thắc mắc này tranh thủ hỏi tại khắp các cuộc gặp gỡ trên đất Mỹ, từ quan chức, nhà chính trị, giới nghiên cứu tới người dân thường, song dường như điều này đã trở nên hết sức bình thường ở Mỹ. Câu trả lời thường gặp đại loại là một cái nhún vai và “I don’t know!” (Tôi không biết).

Trong Cục Dân quyền ở Bộ Tư pháp Mỹ có hẳn một bộ phận phụ trách về Quyền bầu cử của công dân với rất nhiều những quy định chi tiết. Song rốt cục Quyền không đi bầu cũng lại thuộc về dân chúng, chả ai bắt đi bầu nếu họ không muốn.

Ở Mỹ, chuyện trong gia đình mỗi người ủng hộ một ứng cử viên là bình thường. Kiến trúc sư gốc Việt Vũ Thiện Trí ở Jacksonville, Florida ủng hộ ông Obama, còn bà xã người Mỹ lại ủng hộ ông Mc Cain.

Hay cô nữ sinh lớp 12 tên Lisa tại trường Trung học L.C Anderson, Austin, Texas vừa đi bỏ phiếu lần đầu tiên trong đời nói có cảm giác rất thú vị, song nhất quyết không chịu tiết lộ cho tôi biết đã bỏ cho ai, cô chỉ nói trong gia đình mình chia làm 2 phe, một bên bỏ cho B.Obama, bên kia bỏ cho J.Mc Cain.

Vì sao B.Obama thắng cử ?

Ba ngày sau bầu cử, vị giáo sư khoa Chính trị học của ĐH California ở San Diego, ông Gary C. Jacobson - tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chính trị tại Mỹ - đã “mổ xẻ” về thắng lợi của ông Obama với tôi như sau: Obama và Đảng Dân chủ đã chiếm được sức mạnh và ưu thế trong một thời điểm rất khó khăn của nền kinh tế Mỹ! Ông ấy có một chiến dịch tranh cử rất tốt, có được sự ủng hộ của giới truyền thông, tìm mọi cách để gửi thông điệp tới dân chúng, nên dần dần mọi người đã nghĩ trong đầu là ông ấy sẽ trở thành Tổng thống.

Tuy nhiên GS Jacobson cũng nhận định, “Obama dường như có tài diễn thuyết và rất thông minh, song ông ta hứa hẹn cũng hơi nhiều… giữa nói và làm là cả một khoảng cách không dễ gì trong tình huống kinh tế này”. Vị GS này cũng cho rằng, chính sách của B.Obama đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không có gì thay đổi.

Tận thấy bầu cử Mỹ ảnh 5
Giáo sư Gary C. Jacobson, khoa Chính trị học ĐH California tại San Diego. Ảnh : Việt Hùng 

Bộ máy truyền thông nhà nghề của Obama đã cho in ấn những tờ rơi và sách khổ nhỏ được thiết kế và biên tập rất công phu, ấn tượng để phát cho cử tri. Ở khắp các văn phòng tranh cử của phe Dân chủ, chúng tôi đều bắt gặp hàng xấp tờ rơi như thế, chữ ít ảnh nhiều, nhưng đều là những slogan (khẩu hiệu) rất “ăn khách” và khá thuyết phục. Chẳng hạn như “Để thay đổi, chúng ta cần Barack Obama”,  “Nước Mỹ, đây là thời khắc của chúng ta”, “Thay đổi, chúng tôi tin vào điều đó”…

Tất cả những slogan này đều được chọn in trên nền những bức ảnh ấn tượng đầy chất báo chí ghi lại cảnh Obama đang tiếp xúc cử tri. Chỉ với một cuốn sách mỏng 20 trang khổ nhỏ bằng nửa tờ A4 đút gọn được vào túi quần, cử tri Mỹ đã dễ dàng có một bức tranh toàn cảnh về chính sách, đời tư và sự nghiệp của Obama. Chưa kể bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ gồm truyền hình, báo chí, radio cũng dường như nghiêng về ứng cử viên da màu “ăn khách” này.

Tối 4/11, chúng tôi được mời tới dự buổi tiệc chờ đón chiến thắng của giới sinh viên nơi đây tại Trung tâm hội nghị Thompson nằm ngay trong khuôn viên Đại học Texas. Trái ngược với không khí yên ả như mọi ngày, trong ngày bầu cử, bên trong Trung tâm tối nay thật sôi động và đầy phấn khích. Hàng trăm sinh viên vừa ăn uống, bàn tán sôi nổi vừa theo dõi tin tức bầu cử được CNN tường thuật trực tiếp trên 2 màn hình cỡ lớn. Không khí giống y như ta đang xem một trận bóng đá hấp dẫn trên tivi ở Việt Nam vậy.

Jessica Jenq, cô sinh viên đã mời chúng tôi tới dự buổi tiệc, vừa xem tivi vừa hết lời ca ngợi Obama, rằng ông có chính sách tốt về kinh tế, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là giáo dục, ngoài ra Obama còn rất điển trai nữa ! Cô đã bỏ phiếu cho Obama và tin chắc là ông sẽ thắng cử. Bầu không khí mỗi lúc một nóng khi Obama lần lượt giành chiến thắng tại các bang quyết định như Ohio, Pennsylvania…

Tận thấy bầu cử Mỹ ảnh 6
Sinh viên ĐH Texas chờ đón chiến thắng của ông Obama trong đêm 4/11 ở Trung tâm hội nghị Thompson, TP Austin. Ảnh : Việt Hùng 

Vừa về tới khách sạn, anh nhân viên lễ tân tên John mới quen đã hồ hởi báo tin: “Ngày mai nước Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử - Brack Obama!”. Hỏi ra mới biết John vừa đi bỏ phiếu sáng nay cho Obama, John lý giải như một chuyên gia rằng anh ủng hộ B.Obama vì ông này tuyên bố sẽ giảm thuế, tức dân Mỹ trong đó có anh sẽ sống sung túc hơn, các Cty sẽ bán được nhiều hàng hóa vì dân chúng sẽ tiêu dùng nhiều hơn, kết cục nền kinh tế sẽ lại đi lên.

Ghé qua cửa hàng Street Market kế bên khách sạn – nơi bán đủ mọi thứ như cửa hàng tạp hoá bên mình – do hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt kinh doanh, tôi hỏi họ bầu cho ai? Thật bất ngờ cả hai vợ chồng đều nói họ chưa bao giờ đi bầu cử cả, mặc dù đã sống hơn 30 năm ở đây.

Người chồng tên Đỉnh giải thích: “Ông nào lên cũng thế thôi, tôi đã sống qua nhiều đời tổng thống rồi, tôi chỉ quan tâm đến chuyện làm ăn, không quan tâm đến chính trị”.

MỚI - NÓNG