Rôm sảy là bệnh chủ yếu gây ra ở trẻ em, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Nguyên nhân gây ra bệnh rôm sảy là do các ống mồ hôi dưới da bị nghẽn khiến cho mồ hôi không thoát ra được mà bị nghẽn lại bên dưới da. Khi đó các mụn nước dưới da bắt đầu xuất hiện, tiếp theo là các sần đỏ sâu hơn khiến cho những người mắc phải có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu.
Bệnh này có thể không chữa mà vẫn tự khỏi, tuy nhiên đối với các trường hợp mắc bệnh nặng tốt nhất là vẫn nên điều trị.
Theo kinh nghiệm từ những người đi trước để lại, các bà mẹ trẻ thường đun nước chè để tắm cho con nhằm chữa rôm sảy, nhưng cũng có người cho rằng tắm nước chè xanh có thể khiến cho trẻ bị khô da. Vậy thực hư điều này thế nào?
Trao đổi về vấn đề này chị Nguyễn Thị Mến (Y tá trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp) cho biết: “Lá chè xanh đúng là có tính làm khô da và sát khuẩn nhẹ. Khi da em bé bị rôm sảy, nổi mẩn đỏ thì có thể tắm lá chè xanh. Tuỳ theo việc trẻ mẩn nhiều hay ít mà tắm cho con. Thông thường vài ngày những nốt rôm sẽ tự động biến mất. Tuy nhiên, lá chè xanh không thể làm sạch chất gây trên đầu trẻ, do đó tắm nước lá chè xanh chỉ nên là biện pháp tắm tráng ngoài da. Trước đó, các mẹ vẫn cần cho con tắm và massage cơ thể với dung dịch lactacyd dành cho trẻ nhỏ”.
Trước tình trạng nhiều gia đình đun nước lá chè làm nước tắm cho trẻ sơ sinh hàng ngày, Y tá trưởng Nguyễn Thị Mến nhận định: Việc tắm lá chè xanh hàng ngày là không cần thiết vì quá trình đun nấu rất mất thời gian, gây vàng khăn, vàng quần áo con. Đồng thời những dung dịch, dầu tắm dành riêng cho trẻ nhỏ ngày nay cũng đã được chiết xuất từ những nguyên liệu tốt và phù hợp nhất cho da em bé, đảm bảo đúng chỉ tiêu chất lượng.
“Ngay cả dung dịch lactacyd cũng chỉ nên tắm cho trẻ nhiều nhất 2 tuần sau sinh theo lời khuyên của các chuyên gia”, y tá trưởng Nguyễn Thị Mến khuyến cáo.
Cũng theo y tá Mến, lá chè xanh chọn đun tắm cho trẻ cần phải là lá chè sạch, đảm bảo an toàn, nên đun trước một thời gian để lá chè ngấm và pha đặc màu nâu vàng. Nếu nước nhạt quá thì cũng không có tác dụng gì. Ngoài ra, người mẹ cũng nên xác định việc tắm lá chè xanh cho trẻ chỉ là hỗ trợ ngoài da. Nếu con bị mẩn đỏ quá 1 tuần thì cần đưa đến các bệnh viện và cơ sở y tế để khám và không loại trừ khả năng viêm da chứ không phải rôm sảy bình thường.
Trao đổi với Khám phá, y tá Mến cũng gợi ý để tránh rôm sảy cho trẻ sơ sinh, người mẹ nên để trẻ sơ sinh mùa hè chỉ nên mặc áo liền quần mỏng, hở tay hở chân. “Người Việt Nam luôn sợ con lạnh, nghĩ em bé ở trong bụng mẹ 37 độ C nên ra ngoài cần ủ kỹ, phòng cũng phải để nhiệt độ cao. Quan niệm này là sai lầm. Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, thân nhiệt trẻ không được để tăng cao, không được ủ con. Mặt khác, tuyến mồ hôi của trẻ giai đoạn này cũng chưa phát triển hoàn thiện, nếu bị ủ quá kỹ sẽ gây ra phản ứng mẩn đỏ”.