Tam giác Mỹ - Trung - ASEAN

Tam giác Mỹ - Trung - ASEAN
TP - Tất cả các siêu cường đều có lợi ích sống còn trong việc duy trì sự đi lại bảo đảm, an toàn của máy bay, tàu thuyền thương mại và quân sự. Họ đều quan tâm việc ngăn chặn bất kỳ nước nào khống chế sự đi lại qua biển Đông.

Vì vậy, tất cả các siêu cường ủng hộ luật pháp quốc tế hiện nay và luật dựa vào phong tục tập quán để duy trì hòa bình và an ninh của các tuyến giao thông liên lạc đường biển. Ngoài ra, các siêu cường không muốn thấy phát sinh xung đột đe dọa sự đi lại an toàn hoặc khiến phí bảo hiểm tăng, khiến thương mại đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là rõ ràng Hoa Kỳ không thể làm được điều gì nhiều để ngăn Trung Quốc củng cố sự hiện diện của họ trên các đảo nhân tạo xây trái phép trên biển Đông. Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện của họ trên các đảo nhân tạo. Nếu Trung Quốc mở rộng, nước này phải chiếm đóng thực thể địa lý chưa được tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm chủ quyền từ một nước khác.

Tuy nhiên, điều này sẽ tăng rủi ro và Trung Quốc có lẽ sẽ không theo con đường này. Về mặt kinh tế, khi đẩy mạnh khai thác hải sản và trữ lượng dầu khí tiềm năng ở biển Đông, Trung Quốc sẽ cần một cơ sở hành chính lớn hơn cũng như cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các hoạt động của họ. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ nâng cấp cái gọi là thành phố Tam Sa thành một tỉnh mới để nhấn mạnh tầm quan trọng của biển Đông. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.

Trong khi đó, tất cả thành viên ASEAN, đặc biệt là các quốc gia biển và quốc gia ven biển, đều có lợi ích khi duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là quan hệ thương mại và chính trị. Họ phải xác định thế nào là mức độ cân bằng tốt nhất trong quan hệ của mình với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo được cho là chán nản vì sự xáo trộn của ASEAN và nước này đang tìm cách đóng vai trò độc lập cao hơn. Chính quyền của Tổng thống Widodo đã và đang áp dụng các bước đi để tăng năng lực bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là vùng biển quanh quần đảo Natuna. 

Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử tổng thống Philippines dự kiến vào tháng 5/2016. Liệu tổng thống mới có thân thiện với Trung Quốc hơn đương kim Tổng thống Benigno Aquino hay không? Cũng trong năm nay, Hoa Kỳ sẽ bầu tổng thống mới vào tháng 11, nên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phát triển quan hệ với vị tân tổng thống. Trong khi đó, lợi ích của Hoa Kỳ là giữ cho động lượng quan hệ song phương với Trung Quốc phát triển bền vững theo hướng đi lên.

Hiện nay, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đang làm sống lại tư cách của mình là một siêu cường đáng kể ở châu Á. Ông Tập gọi đó là “châu Á dành cho người châu Á”. Các đề xuất của ông Tập về Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, về “Một vành đai, một con đường” nghe có vẻ hợp lý về kinh tế. Khu vực đang thiếu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và khu vực sẽ hưởng lợi từ các hoạt động kết nối giữa đất liền và biển tới Trung Á, Tây Á và châu Âu. 

Ông Tập đang đem đến cho khu vực một mô hình thay thế mô hình IMF-WB do Hoa Kỳ dẫn dắt. Trung Quốc đã và đang tích cực quảng bá các sáng kiến này vì IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), WB (Ngân hàng Thế giới) và Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ không tăng quyền bỏ phiếu của Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc muốn đảm nhiệm vị trí là siêu cường hàng đầu châu Á và nước này đang sử dụng các chiêu về kinh tế để thu hút sự ủng hộ của các quốc gia khu vực.

Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc)

MỚI - NÓNG