Vào đêm trước khi Kabul thất thủ, Taliban đã chiếm được các thành phố lớn và giành quyền kiểm soát gần như tất cả các cửa khẩu biên giới quan trọng mà không cần giao tranh.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn đổ máu ở thủ đô, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã gọi điện cho Tổng thống Afghanistan - Ashraf Ghani để tìm kiếm sự ủng hộ cho một thỏa thuận với Taliban.
Theo thoả thuận này, Taliban sẽ ở lại bên ngoài Kabul nếu ông Ghani bị phế truất và để một chính phủ lâm thời lên tiếp quản.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết gợi ý được đưa ra nhằm câu giờ cho các cuộc đàm phán thiết lập một chính phủ toàn diện có sự tham gia của Taliban. Ông Ghani miễn cưỡng đồng ý.
Nhưng ngay khi Taliban tiến vào cửa ngõ Kabul sáng 15/8, Tổng thống Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn đã bỏ trốn ra nước ngoài, đến một địa điểm khác không được tiết lộ. Ông Ghani thậm chí còn không thông báo cho các đồng minh Mỹ và các quan chức cấp cao Afghanistan.
Động thái này khiến Washington bị sốc. Vì thời điểm đó, báo cáo tình báo Mỹ dự đoán Taliban có thể cô lập Kabul trong vòng 30 ngày và chiếm hoàn toàn thủ đô trong 90 ngày. Họ không bao giờ nghĩ rằng lực lượng do Mỹ huấn luyện và trang bị sẽ đầu hàng chỉ trong vài ngày.
Sự hỗn loạn đã thúc đẩy cuộc họp bí mật giữa các nhà lãnh đạo cấp cao tại Doha (Qatar), bao gồm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ - Tướng Kenneth F. McKenzie và Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu cánh chính trị của Taliban.
“Chúng ta có hai lựa chọn để giải quyết vấn đề”, Baradar nói. “Một là quân đội Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Kabul, hai là các ông phải cho phép chúng tôi làm điều đó.”
Mỹ dường như sẵn sàng từ bỏ Kabul, ngay cả khi có cơ hội để bảo vệ nó. Cuối cùng, Mỹ quyết định sẽ giữ nguyên kế hoạch, rút quân khỏi Afghanistan đúng hạn chót 31/8. Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ phương Tây hậu thuẫn ở Afghanistan dường như không thể làm ông Biden thay đổi ý định.
Theo Washington Post, tướng McKenzie đã nói với Baradar rằng Mỹ chỉ có một nhiệm vụ - sơ tán công dân Mỹ, những người Afghanistan từng giúp đỡ Mỹ và những người khác gặp rủi ro.
Là một phần của thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp bí mật, Mỹ đã nắm quyền kiểm soát sân bay Kabul cho đến hạn chót, trong khi Taliban nắm quyền ở Kabul.
Sự sụp đổ của Kabul đã khiến người dân Afghanistan hoảng loạn tìm cách đổ xô đến sân bay để tìm đường tháo chạy ra nước ngoài.
Khi quân đội nước ngoài tiến hành cuộc không vận chưa từng có tiền lệ nhằm sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao của mình, thì hàng nghìn người Afghanistan cũng bao vây sân bay, cố gắng chạy trốn khỏi đất nước một cách tuyệt vọng.
Một số người đã rơi xuống đất tử vong sau khi bám vào máy bay chở hàng C-17 của Mỹ. Một số người khác chết vì giẫm đạp.
Ngày 26/8, chiến dịch sơ tán đã bị ảnh hưởng khi nhóm khủng bố IS-K tiến hành một cuộc đánh bom nhằm vào sân bay Kabul, giết chết ít nhất 170 người và 13 lính Mỹ.
Ngày 31/8, Taliban nắm toàn quyền kiểm soát hoàn toàn sân bay sau khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời đường băng, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
Tổng thống Biden đã hứa sẽ có bài phát biểu giải thích lí do không kéo dài hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan. “Hiện tại, tôi chỉ có thể nói rằng đó là khuyến nghị nhất trí của các chỉ huy trưởng liên quân, là cách tốt nhất để bảo vệ mạng sống của quân đội Mỹ, và đảm bảo triển vọng rời đi của những dân thường muốn rời khỏi Afghanistan trong những tuần và tháng tới.”
Tính đến thứ Hai, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã sơ tán hơn 122.000 người trong cuộc không vận từ Kabul. Trong số đó, chỉ có 5.400 người là công dân Mỹ, còn lại chủ yếu là công dân Afghanistan chạy trốn khỏi sự cai trị của Taliban.
Tuy nhiên, ước tính có khoảng 250 người Mỹ vẫn ở lại Afghanistan. Taliban đảm bảo những người này sẽ được phép rời đi khi các chuyến bay dân sự thông thường nối lại sân bay quốc tế Hamid Karzai.