Nhật hứng chỉ trích vì chuyến bay sơ tán khỏi Afghanistan chỉ chở 1 người

0:00 / 0:00
0:00
Chiếc máy bay vận tải quân sự của Nhật trước khi lên đường đến Afghanistan. (Ảnh: Kyodo)
Chiếc máy bay vận tải quân sự của Nhật trước khi lên đường đến Afghanistan. (Ảnh: Kyodo)
TPO - Chiếc máy bay vận tải của Lực lượng phòng vệ Nhật cất cánh từ sân bay Kabul hôm 27/8 chỉ có một hành khách là nhà báo Nhật.

Nhật Bản có thể không sơ tán được hàng trăm người Afghanistan đã làm việc với Đại sứ quán Nhật ở Kabul và nhiều người Nhật làm việc cho các tổ chức phi chính phủ trước thời hạn chót mà Taliban đặt ra với các lực lượng nước ngoài.

Chính phủ Nhật đang bị chỉ trích vì không hành động đủ nhanh, sau khi tình hình trở nên rõ ràng rằng Taliban đã chiếm quyền kiểm soát thủ đô của Afghanistan, và khi Mỹ cùng các nước khác rút quân khỏi quốc gia này.

Các nhà phân tích cho rằng đáng lẽ phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người đã phục vụ những lợi ích của Nhật Bản trong nhiều năm, cùng với gia đình của họ, hoặc hỗ trợ hàng chục ngàn người đang muốn đi khỏi Afghanistan.

Một số nhà quan sát cho rằng việc trì hoãn đưa máy bay đến Afghanistan sơ tán là do đang có một cuộc tranh luận ở Tokyo về những việc Lực lượng phòng vệ Nhật có thể làm ở nước ngoài trong khuôn khổ của hiến pháp.

“Đây là lần đầu tiên Lực lượng phòng vệ hoạt động ở nước khác mà không có sự đồng ý rõ ràng của chính phủ quốc gia đó, vì thế hẳn phải có nhiều tranh luận trước khi máy bay cất cánh”, Yuko Ito, giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH châu Á, nhận định.

Ngày 23/8, chính phủ Nhật thông báo sẽ điều một máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules đến Afghanistan để không vận 330 người Afghanistan đã làm việc cho đại sứ quán hoặc Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) sang nước láng giềng Pakistan.

Ngày 26/8, những chiếc xe buýt do quân đội Mỹ điều hành đã tập hợp những người đó khi các tay súng và 2 đối tượng đánh bom tự sát tấn công vào sân bay Kabul, giết hại hơn 170 người và khiến chuyến bay của Nhật bị hoãn.

Một người Afghanistan làm việc cho JICA từ năm 2008 nói với báo Yomiuri rằng cuộc sống của anh đang gặp nguy hiểm.

Anh cho biết anh bị Taliban đe doạ từ đầu năm nay, bắt anh phải rời khỏi JICA và gia nhập nhóm này. Anh kêu gọi cơ quan giúp đỡ khi bị các tay súng Taliban bám theo sau khi lực lượng này chiếm được Kabul.

“Tôi không thể nghĩ ra cách nào để rời khỏi đây. Tôi đang gặp nguy hiểm”, anh nói.

Báo Yomiuri nói rằng những chiếc xe buýt đáng lẽ đã đến được sân bay nếu xuất phát sớm hơn 1 ngày.

Một người khác làm việc cho các dự án phát triển sử dụng vốn Nhật Bản cũng kêu cứu Tokyo giúp đỡ. Người đàn ông độ tuổi 30 nói với Kyodo News rằng anh làm công việc vận chuyển thiết bị y tế đến các bệnh viện và trang thiết bị an ninh đến sân bay từ năm 2004.

Tên của anh không có trong danh sách sơ tán của chính phủ Nhật, và Bộ Ngoại giao Nhật nói sẽ không cho anh cùng vợ và 3 con đi cùng.

“Tôi chỉ muốn bảo vệ mạng sống của gia đình tôi. Không có gì khác. Không ai trong chính phủ Nhật hướng dẫn gì cho tôi”, người đàn ông nói.

Vì những xe buýt chở người sơ tán không thể đến, nên chiếc máy bay vận tải của Lực lượng phòng vệ Nhật cất cánh từ sân bay Kabul hôm 27/8 mà chỉ có một hành khách là nhà báo Nhật. Chuyến bay trước đó đã đón được “nhiều người”, trong đó có các nhân viên đại sứ quán Mỹ, để đưa đến thủ đô của Pakistan, các quan chức Nhật cho biết.

Những người chỉ trích cho rằng nỗ lực này là quá ít so với các quốc gia khác. Mỹ sơ tán hàng chục ngàn người trong tuần qua. Anh, Đức, Bỉ và Hà Lan cũng đã thực hiện những chiến dịch không vận.

Báo chí Hàn Quốc cũng nói nhiều về “Chiến dịch thần kỳ”, giúp các nhân viên đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ và gần 400 người Afghanistan được đưa đi bằng máy bay quân sự trong một nhiệm vụ được lên kế hoạch và triển khai nhanh chóng. Seoul cũng cấp địa vị pháp lý cho những người Afghanistan tị nạn và cho phép họ định cư lâu dài.

“Thật sốc khi Nhật không làm nhiều hơn để giúp những người tị nạn, nhưng điều này cũng phù hợp với chính sách quốc gia về việc ít tiếp nhận người tị nạn”, GS Ito nói. Ông cho biết rất ít người được cấp quy chế tị nạn ở Nhật Bản mỗi năm, bao gồm cả những người chạy khỏi nội chiến ở những nơi như Syria hay Myanmar.

Trước vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nhật nói sẽ không cung cấp thông tin cụ thể, vì hoạt động vẫn đang diễn ra. “Chúng tôi tiếp tục làm hết sức để bảo đảm sự an toàn và hỗ trợ sơ tán những công dân Nhật và nhân viên người địa phương của đại sứ quán và JICA”, Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.