Tài xế là lao động của Grab

TP - Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải xác định rõ mối quan hệ, chuyển hợp đồng hợp tác, môi giới sang hợp đồng lao động, giữa người lao động và người sử dụng lao động tại Grab.
Tài xế là lao động của Grab ảnh 1

Các tài xế Grab vẫn phải mưu sinh dù giá cước và chiết khấu bị hãng nâng lên từ 5/12

Mô hình kinh doanh...khác biệt

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, sở dĩ kéo dài câu chuyện tranh cãi về chính sách công bằng, hợp lý liên quan đến hoạt động xe công nghệ là do đã áp đặt sai pháp luật về mô hình kinh doanh và việc thu thuế.

Về mô hình kinh doanh, theo luật sư, hoạt động kinh doanh của các công ty điều phối xe taxi công nghệ như Grab hay Be, rất giống với kinh doanh vận tải vì thực hiện 2 trên tổng số 3 công đoạn chính của vận tải là “trực tiếp điều hành phương tiện” và “quyết định giá cước vận tải”, chỉ thiếu mỗi “lái xe” (tài xế) theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (NĐ 10). Nhưng yếu tố quan trọng nhất, cốt lõi nhất trong trường hợp này không thể thiếu, đó là sự hợp tác kinh doanh giữa 2 bên công nghệ và vận tải. Cái gốc vận tải thực sự ở đây là hoạt động của mô tô, xe máy (xe ôm) và hoạt động của các hợp tác xã vận tải tham gia hợp tác với công ty công nghệ.

 Trên thực tế, theo ông Đức, trong mô hình hợp tác kinh doanh này còn xuất hiện 2 yếu tố nữa. Đó là hoạt động kinh tế hợp tác xã (đối với ô tô) và kinh tế chia sẻ, nếu như xe đồng thời còn phục vụ mục đích đi lại của cá nhân và gia đình.

 Quả thật với loại hình doanh nghiệp này không đơn thuần là một công ty kinh doanh công nghệ. Tuy nhiên việc ấn định và quản lý nó gần như giống hoàn toàn với một hãng taxi truyền thống như quy định tại NĐ 10, theo luật sư Đức lại không đúng. “Đúng ra phải xác định và quản lý nó không phải là một trong hai thứ đó, mà là một mô hình hoàn toàn khác biệt, có sự giao thoa, kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa công nghệ và vận tải”, ông Đức nhận định.

Về quan hệ kinh doanh, theo Trọng tài viên VIAC, quan hệ giữa công ty cung cấp giải pháp công nghệ và tài xế taxi rất giống với quan hệ hợp đồng lao động, với sự thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (cũng như Bộ luật Lao động trước đây). Thậm chí bộ luật này còn quy định: “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.

Không thể tính thuế theo phương pháp khấu trừ?

Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), vị trọng tài viên VIAC cho hay, theo quy định, công ty vận tải truyền thống hay công ty công nghệ tham gia vận tải đều nộp mức thuế 10% như nhau. Nhưng sau đó, họ sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, nên tỷ lệ nộp thuế nếu tính trên tổng doanh thu thì luôn thấp hơn nhiều. Đối với cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện để được khấu trừ, thì được tính trực tiếp trên giá bán. Do tính vo, có tính chất khoán cào bằng và không được khấu trừ, nên thuế suất này chỉ bằng từ 1/2 cho đến 1/10 so với cách tính khấu trừ, trong đó vận tải có thuế suất là 3%.

Với xe ôm công nghệ, theo ông Đức không thể tính được thuế theo phương pháp khấu trừ (phần thuế VAT, chi phí xăng dầu, mua và sửa chữa xe, bảo hiểm,...) nhưng nay lại bị áp đặt mức thuế 10% như một phần thuế của DN theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126) thì tài xế đã bị thu lố 7%.

Tài xế grab phải được hưởng quyền chính đáng

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ đại diện các tài xế Grab đòi quyền lợi lao động.

Theo ông Quảng, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa các đơn vị như Grab Việt Nam với tài xế. Theo hợp đồng mà các tài xế cung cấp có thể thấy quan hệ giữa họ với Grab Việt Nam là quan hệ hợp tác, hợp đồng môi giới. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia, ông Quảng nhận thấy mối quan hệ giữa Grab Việt Nam và các tài xế là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ).

“Tiền lệ quốc tế từng khẳng định loại hình vận tải tương tự như Grab là Uber từng bị Tòa án công lý châu Âu (ECJ) khẳng định là đơn vị kinh doanh vận tải, không phải đơn vị cung cấp tư vấn môi giới. Và, mối quan hệ giữa Uber và tài xế là mối quan hệ giữa đơn vị sử dụng lao động với người lao động theo phán quyết ngày 20/12/2017”, ông Quảng dẫn chứng.

Theo Phó ban Quan hệ lao động, qua xem xét hợp đồng giữa Grab Việt Nam với các tài xế, có thể thấy Grab quy định các tài xế phải mặc áo đồng phục, nếu không sẽ bị phạt. Như vậy, không thể nói đấy là mối quan hệ đối tác, bởi theo ông Quảng, đối tác thì mặc hay không là quyền của họ.

Theo ông Quảng, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định nhận diện lại một cách rất rõ rằng, dù hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động có tên gọi khác nhau như hợp đồng hợp tác nhưng có các dấu hiệu như thỏa thuận trả công, trả lương, chịu sự quản lý điều hành 1 bên…, thì vẫn được xác định là hợp đồng lao động.

“Như vậy, ở đây có thể thấy Grab có thỏa thuận việc làm và trả lương thể hiện qua việc Grab quyết định giá cước, chiết khấu trên mỗi cuốc xe của tài xế. Lái xe Grab chịu sự điều hành của Grab, ví dụ đi đâu đều bị kiểm soát qua định vị ứng dụng; mặc đồng phục; đi vào giờ cao điểm được trả thêm tiền...Như vậy đủ dấu hiệu xác định đó là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người chịu thiệt ở đây là tài xế, họ không được hưởng các quyền lợi chính đáng như những lao động ở các doanh nghiệp khác”, ông Quảng dẫn chứng.

Cũng theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, Bộ GTVT và Tổng cục Thuế đã xác định Grab là công ty vận tải chứ không phải công ty môi giới công nghệ. Như vậy, tài xế là lao động của Grab và có người làm việc toàn thời gian, người làm bán thời gian như sinh viên.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.